Chấm bài khảo sát lớp 6 Trần Đại Nghĩa ra sao khi đề thi mở?

Bích Thanh
Bích Thanh
06/07/2023 18:14 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố đề và đáp án bài khảo sát lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Giáo viên nhận định ra sao và Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì về đề, đáp án và việc chấm bài theo hướng mở?

Chấm bài khảo sát lớp 6 Trần Đại Nghĩa ra sao khi đề bài mở? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi bài khảo sát lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

NHẬT THỊNH

Với tỷ lệ chọi khoảng 1/9, bài khảo sát năng lực vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hàng năm đều được đánh giá là một kỳ tuyển sinh đầu vào có độ cạnh tranh cao. Năm nay, 4.800 thí sinh thực hiện bài khảo sát vào ngày 4.7 vừa qua.

Thoát khỏi lối học văn đọc chép, viết theo văn mẫu

Ngay khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đề bài khảo sát vào ngày 6.7, nhiều giáo viên đã đưa ra những nhận định về phần tập làm văn.

Cô Đỗ Thị Vui, giáo viên Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Nguyễn Viết Xuân (Q.1), nhận xét, từ ngữ liệu là bài thơ Con đường của bé (Thanh Thảo), đề bài đưa ra 4 câu hỏi trong đó có: Em hiểu thế nào về con đường trên trang sách?; Em thích khổ thơ nào trong bài thơ? Vì sao?... Còn ở phần làm văn, đề yêu cầu thí sinh viết từ 5 đến 7 câu nêu suy nghĩ sau khi đọc bài thơ.

Theo cô Vui, đề thi tự luận tiếng Việt hay, có độ phân hóa học sinh cao, phát huy được năng lực tư duy, năng lực cảm nhận. Đề bài yêu cầu học sinh vận dụng kỹ năng cảm thụ văn học, một trong những kỹ năng nâng cao của làm văn ở bậc tiểu học cũng là dạng văn phát biểu cảm nghĩ của các cấp học tiếp theo.

Chấm bài khảo sát lớp 6 Trần Đại Nghĩa ra sao khi đề bài mở? - Ảnh 2.

Thí sinh vui vẻ sau khi làm bài khảo lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

BÍCH THANH

Cô Vui đồng thời cho rằng ngữ liệu (bài thơ) phù hợp với lứa tuổi và khả năng nhận thức của học sinh. Hệ thống các câu hỏi được sắp xếp theo tư duy văn học: Đọc -> hiểu -> suy ngẫm -> phản hồi. Từ đó, thí sinh nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân. Các em sẽ thoát khỏi lối học văn đọc chép, học và viết theo văn mẫu. Điều này tạo tiền đề quan trọng để các em tiếp cận với phương pháp học ngữ văn ở các lớp trên.

Cũng đưa ra nhận xét về nhận xét về phần tự luận làm văn, thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), cho hay: "Đề bài sáng và sâu ở một mức độ phù hợp với một học sinh tiểu học. Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, khuyến khích học sinh phát huy suy nghĩ và tư duy của mình; giúp các em mở ra một cái nhìn mới về cách học, cách tiếp cận môn văn cấp THCS (tiệm cận chương trình GGiáo dục phổ thông 2018)".

Theo thầy Huy, đề bài đã đạt được mục tiêu không văn mẫu, không rập khuôn, không cần phải thuộc lòng bất kỳ một điều gì và học sinh có thể bộc bạch những suy nghĩ của mình.

Đáp án không khuôn mẫu, bó buộc

Chia sẻ về đề bài khảo sát lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, chuyên viên của Sở GD-ĐT nói, phần đọc hiểu và làm văn hướng đến mục tiêu đánh giá năng lực đọc của thí sinh theo các cấp độ tư duy. Các câu hỏi nâng dần mức độ xác định, hiểu và lý giải nội dung bài thơ. Bên cạnh đó, đề khảo sát cũng đặt ra các yêu cầu về chính tả, dùng từ, ngữ pháp và khả năng diễn đạt ý của học sinh.

Cũng theo chuyên viên Sở GD-ĐT, đề bài có "độ mở" nhất định giúp học sinh được tự do lựa chọn các nội dung mình yêu thích để thể hiện. Bài thơ được chọn có nội dung gần gũi nhằm khơi gợi suy nghĩ về cuộc sống, những người xung quanh, cha mẹ và nhất là con đường học tập của chính mình.

"Với độ mở nhất định của đề bài, đáp án và giám khảo chấm bài cũng sẽ thể hiện sự tôn trọng và ghi nhận những quan điểm, suy nghĩ của thí sinh theo hướng mở mà không có sự khuôn mẫu bó buộc", chuyên viên này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.