Châm cứu, thủy trị liệu giúp can thiệp hỗ trợ trẻ tự kỷ

An Dy
An Dy
01/04/2023 04:00 GMT+7

Tự kỷ là hội chứng rối loạn quá trình phát triển tâm lý ở trẻ em, cụ thể là ngôn ngữ, giao tiếp, quan hệ xã hội, hành vi, cảm xúc, tiếp nhận… Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp việc điều trị tự kỷ đạt kết quả tốt nhất.

Những năm trở lại đây, bằng nỗ lực của truyền thông, trẻ tự kỷ đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của xã hội. Những đứa trẻ có dấu hiệu tự kỷ, theo đó, cũng được phát hiện sớm và can thiệp hỗ trợ hiệu quả để hòa nhập tốt với bạn bè cùng trang lứa.

"Nếu như trước đây, chúng tôi tiếp nhận và hỗ trợ những đứa trẻ có chứng tự kỷ ở độ tuổi từ 3 - 5, nghĩa là triệu chứng đã nặng, can thiệp cần nhiều thời gian và khó hòa nhập, thì giờ đây, có nhiều bé đã được gia đình đưa đến khám và can thiệp khi chỉ mới 12 - 16 tháng tuổi cho đến 2 tuổi. Những trường hợp này được phát hiện sớm nên việc can thiệp hiệu quả hơn nhiều. Đặc biệt, việc áp dụng can thiệp đồng bộ cho trẻ bằng các phương pháp mới như can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, tâm vận động, đặc biệt là châm cứu và thủy trị liệu, giúp can thiệp hiệu quả lên đến hơn 60%", bác sĩ (BS) Hồ Minh Cảnh, Khoa Nhi ngôn ngữ trị liệu, Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng Đà Nẵng, cho biết.

Châm cứu, thủy trị liệu giúp can thiệp hỗ trợ trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Can thiệp ngôn ngữ và thủy trị liệu cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng

AN DY - BVCC

QUAN TRỌNG NHẤT LÀ KIÊN TRÌ

Tại BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng, chúng tôi gặp một bé trai 3 tuổi (ngụ Đà Nẵng) đang được can thiệp ngôn ngữ. Bà V.T.H (68 tuổi) là bà nội của bé, cho biết bé đã tham gia chương trình can thiệp tự kỷ được hơn 1 tháng. Bà kể khi mới đến BV, bé không biết gì, không có phản ứng với mọi thứ xung quanh, không biết chơi, chỉ nói bi bô với những âm tiết vô nghĩa; sau hơn 1 tháng được hỗ trợ đồng loạt các phương pháp can thiệp thì hiện tại cháu đã có thể hiểu được những mệnh lệnh đơn giản, biết phát âm chữ "a", "ba"… và tiến bộ rõ rệt.

Kỹ thuật viên Phạm Thị Kim Mỹ, trực tiếp can thiệp ngôn ngữ cho bệnh nhi nói trên, chia sẻ: "Sự kiên trì là quan trọng nhất đối với các cháu. Khi chúng tôi thực hành can thiệp thì luôn có bà nội ở cạnh để cùng cháu tiếp thu. Bà cũng được hướng dẫn cách hỗ trợ cháu để cả nhà đồng hành cùng cháu. Đây phải là sự nỗ lực từ nhiều phía".

Tại BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng, những ngày cao điểm có đến gần 300 lượt trẻ được hỗ trợ can thiệp theo từng nhóm khác nhau theo thang điểm DENVER (ESDM), mô hình phát triển toàn diện giúp nhận biết, đánh giá kỹ năng (giao tiếp, nói, chơi, phối hợp nhóm, giao tiếp không lời, vận động, khởi xướng) của trẻ.

"Chúng tôi đã mừng rớt nước mắt khi bé phát âm được chữ… "a", không phải ngay từ buổi đầu tiên mà sau rất rất nhiều buổi can thiệp. Đó là khi đứa trẻ 3 tuổi mở được khẩu hình một cách khó khăn và bật ra được chữ "a", "ba". Điều này là nỗ lực của không chỉ chúng tôi mà còn của bé, của phụ huynh luôn đồng hành bên cạnh", kỹ thuật viên Võ Thị Minh Giang, Khoa Nhi ngôn ngữ trị liệu, BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng, bày tỏ giữa giờ can thiệp ngôn ngữ cho một trẻ tự kỷ.

Châm cứu, thủy trị liệu giúp can thiệp hỗ trợ trẻ tự kỷ - Ảnh 2.

CHÂM CỨU VÀ THỦY TRỊ LIỆU

Tại khoa Phục hồi chức năng và đông y, BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng, BS Hồ Vũ Việt Thắng lần lượt đến trước những đứa trẻ đang xếp hàng chờ đợi và tiến hành châm kim lên huyệt đạo trên đầu của trẻ. Theo BS Thắng, đây là phương pháp hào châm, tức là châm cứu bằng kim không dùng điện. Theo y học cổ truyền, hào châm giúp khai khiếu, tỉnh thần, mở khả năng và giúp thần kinh tỉnh táo, kiểm soát tốt cảm xúc, giúp trẻ điều chỉnh hành vi, tăng cường giao tiếp…

Chị N.T.T.Hiền (ngụ TP.Hội An, Quảng Nam) cho biết con gái chị gần 3 tuổi và được hỗ trợ can thiệp đã hơn nửa năm nay. Mỗi ngày chị kiên trì chở con đi về hơn 50 km từ Hội An ra Đà Nẵng để cháu được điều trị một số triệu chứng rối loạn như ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc… "Mỗi tuần 3 liệu trình châm từ 20 - 25 phút. Các triệu chứng của cháu cải thiện rất rõ rệt đến 7 - 8 phần, cháu có phản ứng tốt hơn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn, nói được nhiều hơn", chị Hiền cho hay.

Để phát hiện và hỗ trợ can thiệp cho các cháu bé có chứng tự kỷ hiệu quả, BV có lực lượng cộng tác viên hùng hậu ở tuyến cơ sở, đồng thời thường xuyên có lớp tập huấn cho các phụ huynh để đồng hành cùng con.

Theo BS Hồ Minh Cảnh, ngoài can thiệp theo cá nhân thì điểm đặc biệt trong can thiệp tại BV là điều trị theo nhóm để phân theo trình độ, khả năng nhận thức, nhận biết (không phải độ tuổi), từ đây sẽ tăng kỹ năng chơi, kỹ năng hòa nhập; đồng thời giúp phụ huynh biết được khả năng của con mình, lưu ý những điểm yếu của trẻ. Ngoài ra, còn có phương pháp tâm vận động, tức là xoáy vào trọng tâm của hoạt động, giúp trẻ bớt phân tâm và phát triển tốt năng khiếu, sở trường.

"Chúng tôi còn có phương pháp thủy trị liệu, tức là tiếp xúc với nước cùng sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, dưới sự giám sát của phụ huynh. Tiếp xúc dưới nước với liệu trình 35 phút mỗi buổi sẽ giúp trẻ điều hòa cảm giác tốt. Trong hỗ trợ trẻ tự kỷ thì việc tiếp xúc với nước, với cát rất tốt cho quá trình phát triển, hòa nhập của trẻ. Thực tế cho thấy các trẻ được chúng tôi can thiệp sớm đã có mức độ cải thiện trên 60%", BS Hồ Minh Cảnh nói. 

Ngày 2.4 hằng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này. Theo đó, sẽ có những nhận biết sớm về chứng tự kỷ, rối loạn cảm xúc: Trước 12 tháng tuổi chưa biết chỉ chỏ, 18 tháng chưa biết nói từ đơn, 24 tháng chưa biết nói câu có 2 từ hoặc mất đi những kỹ năng đã có. Lớn hơn, trẻ hay thu mình. Đối với trẻ tự kỷ bẩm sinh, dưới 6 tháng không hóng chuyện, 12 tháng không tương tác. Vì vậy, cần có sự nhận thức đầy đủ về bệnh để nhận biết được biểu hiện của bệnh, sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp. Theo các chuyên gia y tế, trẻ tự kỷ bị rối loạn các giác quan như rối loạn thính giác, sợ xúc giác, sợ ánh mắt, mất thăng bằng, với mỗi rối loạn đó có phương pháp điều hòa chuyên sâu riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.