'Đắng cay ngọt bùi' giáo viên dạy trẻ tự kỷ

20/11/2022 09:09 GMT+7

Không thể dành thời gian cho con, bị nhà chồng định kiến và vô số lời đồn ác ý vẫn đang gán lên những người thầy, người cô ngày ngày giảng dạy cho trẻ tự kỷ.

“Chỉ cười trừ rồi thôi”

Trao đổi với PV Thanh Niên, Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch mạng lưới tự kỷ Việt Nam-quản lý Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay, các giáo viên nữ thường chịu nhiều thiệt thòi khi theo nghề.

Giờ đây, công việc được dạy các bé và nhìn thấy các bé yêu thương mình, cố gắng từng ngày với mình không còn gì quý giá hơn. Tôi nghĩ rằng mình sinh ra để làm nghề giáo

Cô Nguyễn Thị Hà

“Các cô sau khi đã lập gia đình và sinh con, họ cần rất nhiều thời gian phục hồi. Do đó, nhiều cô chọn ở nhà chăm con và lựa những việc khác nhẹ nhàng hơn để làm. Hoặc một số cô vì áp lực và định kiến từ nhà chồng như con dâu đi làm với trẻ như vậy nhiều khi đẻ con ra con sẽ bị lây bệnh tự kỷ cho con. Đó là suy nghĩ sai lầm nhưng vẫn tồn tại, gây ra áp lực nặng nề cho các giáo viên nữ”, bà Tâm cho biết.

Do đó, khi theo nghề, bản thân giáo viên đã chấp nhận sẽ có những ánh mắt soi mói, cô Nguyễn Thị Hà (31 tuổi), giáo viên dạy trẻ tự kỷ Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc, chia sẻ.

'Đắng cay ngọt bùi' nghề dạy trẻ tự kỷ

Trong lần đi chơi ngoại khóa với trường, cô Hà từng nhận những cái nhìn không thiện cảm về các bé. Những lúc như vậy, cô cũng cảm thấy khó chịu nhưng chỉ biết cười trừ.

Nhìn lại quỹ thời gian dành cho gia đình, cô Hà không khỏi giấu sự xúc động khi cảm thấy con mình chịu thiệt thòi và chị cũng không thể chăm sóc con trọn vẹn. “Nhiều khi tôi làm việc với các học trò nhiều quá thì con của mình cũng tội. Đôi khi tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi sắp xếp thời gian để cân bằng giữa công việc và gia đình. Tuy vậy, mình đều cố gắng mỗi ngày mình dành ít nhất nửa giờ chơi với con, dạy con học”, cô Hà nói.

'Đắng cay ngọt bùi' giáo viên dạy trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Cô Hà cho biết nghề này không có một giáo án cụ thể cho mọi trường hợp mà tùy mỗi bé sẽ có cách giáo dục khác nhau nên người giáo viên phải tự học hỏi mỗi ngày

Thảo Linh

Đối mặt với những câu hỏi như “những đứa này có học được nữa đâu mà đi dạy làm gì” hoặc “sao không chọn nghề nào khác đi mà chọn nghề này cho cực khổ”, cô Nguyễn Nguyệt Thanh (30 tuổi), giáo viên dạy trẻ tự kỷ Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc, chia sẻ: “Tôi chỉ bỏ qua và cứ làm thôi vì người ta không hiểu nên cũng không trách được. Tôi cứ làm đi rồi sau này mọi người sẽ biết đến nhiều hơn”.

'Đắng cay ngọt bùi' giáo viên dạy trẻ tự kỷ - Ảnh 2.

Dù từng đối mặt với những lời đồn ác ý về nghề, cô Thanh chưa từng vì thế mà lung lay hay từ bỏ công việc mà mình đã lựa chọn vì tình cảm đặc biệt với trẻ tự kỷ

Thảo Linh

Còn thầy Võ Hoàng Diễn (25 tuổi), giáo viên dạy trẻ tự kỷ, cũng từng bị hỏi rằng “vì sao lựa chọn nghề toàn cô” hay “vì sao chọn dạy trẻ tự kỷ”. Thầy cho biết bản thân luôn có cách để phản biện khi bị hỏi những câu như vậy.

“Tôi chọn làm mảng nghề bên giáo dục đặc biệt nên chính tôi đã chọn ở cạnh các bé vì tôi biết là các em cần tôi giúp. Do đó, việc là một thầy dạy mầm non với tôi không phải là điều gì xấu hổ. Thật sự phải gọi là nghề chọn mình. Từ tình yêu thương đã đưa tôi đến quyết định bám trụ với công việc này. Hơn 3 năm qua, tình cảm của tôi với các em vẫn rất đặc biệt”, thầy Diễn bộc bạch.

Niềm vui của nghề giáo dục đặc biệt

Nhắc đến cơ duyên với nghề, cô Thanh cho biết cô từng tốt nghiệp khoa tâm lý học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Trong thời gian học, cô có cơ hội được tham gia các hoạt động hỗ trợ tại các trung tâm cho trẻ tự kỷ. Mỗi tuần, cô dành ra những buổi rảnh rỗi để đến vui chơi, tương tác với các bạn ở trung tâm.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định thử gắn bó với các bạn vì tôi nhận ra các bạn cũng có khả năng học rất tốt nếu có phương pháp phù hợp. Với mỗi lần các bạn cười lên thấy thương lắm, làm mình không nỡ rời xa”, cô Thanh kể.

'Đắng cay ngọt bùi' giáo viên dạy trẻ tự kỷ - Ảnh 3.

Với thầy Diễn, nghề dạy trẻ tự kỷ cần sự kiên trì và hy sinh của giáo viên

Thảo Linh

Thầy Diễn thì khẳng định đến với nghề chính là một cái duyên và gắn bó vì nặng lòng với các em. Trước đó, thầy Diễn từng theo học ngành công tác xã hội tại Phân Hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam. Với thầy, thời gian học tập đã nuôi trong thầy tình yêu thương đối với các bé có hoàn cảnh đặc biệt. Từng có suy nghĩ về những trăn trở khi theo nghề, nhưng với thầy, khó khăn chỉ là một phần của công việc.

“Nếu như mình nản chí thì các bé sẽ khó có cuộc sống tốt hơn sau này. Vì với tôi, các bé và gia đình hiện tại đã khó khăn rồi mà mình nản chí là mình cho các bé thêm cái khó khăn của mình. Làm thế với tôi là trái lương tâm của một người theo nghề giáo”, thầy Diễn chia sẻ.

Trở thành một giáo viên dạy trẻ tự kỷ, cô Hà cho rằng bản thân đã trưởng thành hơn nhiều so với trước. “Dạy cho các bạn rất khó và đòi hỏi phải kiên trì. Hồi xưa mình cũng từng nghĩ đến chuyện từ bỏ nhưng đó là chuyện từ lâu rồi. Giờ đây, công việc được dạy các bé và nhìn thấy các bé yêu thương mình, cố gắng từng ngày với mình không còn gì quý giá hơn. Tôi nghĩ rằng mình sinh ra để làm nghề giáo”, cô Hà tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.