Nhu cầu cao nhưng tìm không ra giáo viên giáo dục đặc biệt

11/11/2022 08:15 GMT+7

Ít đơn vị đào tạo, tính chất công việc vất vả cùng với những áp lực về tinh thần, thể chất là nguyên nhân phổ biến gây ra sự thiếu hụt nhân sự ngành giáo dục đặc biệt.

Theo nghề được 2 - 3 năm

Hiện TP.HCM có 21 trường chuyên biệt công lập dành riêng cho trẻ khuyết tật, mỗi trường có hơn 100 trẻ theo học và đều đang trong tình trạng thiếu giáo viên (GV).

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Hoàng Thị Nga, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết một trong số những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt GV giáo dục đặc biệt (GDĐB) là do đặc thù công việc.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong chuyến thực tập tại Trường chuyên biệt Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TP.HCM)

NVCC

“Cụ thể, ngoài việc dạy dỗ, GV GDĐB còn phải kiêm thêm nhiệm vụ chăm sóc trẻ, phải cực kỳ nhẫn nại và đôi lúc cần sự hy sinh nên nếu không chịu được sẽ rất dễ khủng hoảng và bỏ nghề. Nhiều sinh viên (SV) đi thực tập thấy trẻ không tự chủ được trong việc đi vệ sinh, trét phân lên đầu dẫn đến hoảng sợ, áp lực và quyết định từ bỏ. Một số GV chỉ có thể theo nghề được 2 - 3 năm. Chúng tôi sẽ thực hiện thống kê chính thức về số lượng GV bỏ việc để nhìn rõ xem bức tranh toàn cảnh còn thách thức như thế nào”, tiến sĩ Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, không ít SV ngành GDĐB tốt nghiệp lựa chọn làm việc tại các cơ sở tư thục thay vì các trường công lập. Chẳng hạn, trong đợt xét tốt nghiệp hôm 30.4, chỉ có khoảng 1 - 2 SV vào làm việc tại các trường chuyên biệt công lập, theo tiến sĩ Nga.

Chỉ tiêu thấp, nhu cầu cao, SV thiếu động cơ theo đuổi

Một lý do khách quan khác gây ra tình trạng thiếu GV GDĐB là theo quy định Bộ GD-ĐT, đến năm 2020 các trường ĐH không đào tạo hệ CĐ và do đó ngành GDĐB chỉ có ở ĐH.

Có những phụ huynh khi thấy con mình được tôn trọng và dạy dỗ bằng những phương pháp hợp lý, khoa học thì họ không còn gì hạnh phúc hơn. Giáo viên giáo dục đặc biệt chứng kiến khoảnh khắc ấy là phần thưởng không thể quy đổi được bằng tiền.

Tiến sĩ HOÀNG THỊ NGA (Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Hiện tại chỉ có một số trường đào tạo ngành GDĐB là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thủ đô Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nên các trường này dù có tăng chỉ tiêu tuyển sinh vẫn không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. “Năm học 2022 - 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa GDĐB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là 60 nhưng thực tế chỉ có 55 SV xác nhận nhập học. Đa số SV GDĐB tốt nghiệp là có việc làm ngay. Khoảng 4 năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh tăng từ 1,5 - 2 lần, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu thực tế”, tiến sĩ Nga thông tin.

Ngoài ra, tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Nghề GDĐB thường khá vất vả, đòi hỏi sự yêu nghề và dấn thân nhưng thu nhập lại không cao, “không sang” như nhiều ngành nghề khác làm cho SV thiếu động cơ theo đuổi”.

Những chuyện không có trong sách vở

Chọn học ngành GDĐB với mong muốn giúp đỡ những bạn nhỏ kém may mắn, tuy nhiên các SV trong quá trình thực tập đã nhận thấy một số khó khăn nhất định khi theo đuổi nghề này.

Ngô Trần Thanh Trúc, SV năm cuối Khoa GDĐB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Việc chăm sóc và dạy trẻ đặc biệt đòi hỏi nhiều công sức và sự chuẩn bị vì lớp đông học sinh và mức độ khuyết tật của các em không giống nhau”.

Mở chương trình dạy song bằng, lớp ngắn hạn

Hiện tại, Khoa GDĐB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang thực hiện cơ chế dạy học song ngành cho những SV có mong muốn học về ngành này. “Từ năm 2007, khoa có thêm các lớp vừa làm vừa học cho những GV có nhu cầu nâng cao nghiệp vụ hoặc mở rộng nghiệp vụ. Với các bạn học xong hệ cao đẳng sư phạm GDĐB hoặc những GV mầm non, tiểu học phát hiện trong lớp mình có trẻ đặc biệt thì có thể đăng ký học thêm văn bằng 2 chuyên ngành này để hỗ trợ trẻ tốt hơn, trong khoảng thời gian từ 1,5 - 2 năm”, tiến sĩ Hoàng Thị Nga, Trưởng khoa GDĐB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin.

Hiện quy mô các trường chuyên biệt ở TP.HCM không đáp ứng đủ nhu cầu đi học của trẻ, nhiều phụ huynh cho con học ở các trường hòa nhập. Tuy nhiên, trường hòa nhập lại thiếu kinh nghiệm dạy trẻ khuyết tật nên lúng túng trong việc đảm bảo chất lượng dạy học. Do đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng mở rất nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn - dài hạn và cấp giấy chứng nhận “Nghiệp vụ Sư phạm giáo dục hòa nhập”. Đối tượng tham gia có thể là GV các cấp hoặc phụ huynh có con mắc các rối loạn đặc biệt.

Chẳng hạn, khi dạy học sinh khiếm thị, GV phải điều chỉnh đồ dùng dạy học, phương pháp và hình thức tổ chức lớp để các em có hứng thú, dễ tiếp thu. Chưa kể đến áp lực từ phụ huynh, gánh nặng cơm áo gạo tiền và cả những định kiến xã hội… cũng tăng thêm phần áp lực cho nghề này, theo Thanh Trúc.

Tương tự, Phạm Mai Gia Hân, SV năm 3 Khoa GDĐB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tâm sự: “Ngoài việc hỗ trợ học tập, GV còn phải hướng dẫn trẻ điều chỉnh hành vi, khả năng tự phục vụ bản thân… Trẻ đặc biệt không phải cứ nói là sẽ nghe và hiểu, mỗi bạn sẽ có tính cách khác nhau nên GV ngành này phải thật sự kiên trì để không nổi giận khi trẻ không hợp tác hoặc không tiến bộ trong thời gian dài”.

Việc hạn chế về cơ sở can thiệp, mức lương thấp cũng là điều khiến SV ngại theo nghề lâu dài. “Những ai dám theo đuổi công việc này phải có định hướng rõ ràng, kiên trì và yêu thương các bé”, Nguyễn Hồng Phúc, SV năm 3 Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói.

Giáo viên theo đuổi công việc giáo dục chuyên biệt phải có định hướng rõ ràng, kiên trì và yêu thương các bé

nvcc

Bên cạnh đó, kiến thức được học tại trường dù đã khá đầy đủ nhưng muốn đi làm thì SV phải tự học và nghiên cứu thêm các tài liệu cũng như cập nhật tin tức về ngành học này. Trong 6 tuần thực tập tại Trường chuyên biệt Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TP.HCM), Thanh Trúc trải nghiệm một chuyện mà theo cô là sẽ không bao giờ quên.

“Sau giờ nghỉ trưa, có một bạn xin vào nhà vệ sinh nhưng rất lâu mà không quay lại. Mình khá lo nên vào kiểm tra thì phát hiện bạn ấy đã đi nặng trong quần. Đây là chuyện không hề có trong sách vở, mình vừa dọn dẹp vừa nghi ngờ liệu bản thân có thích hợp với nghề này hay không”, nữ SV nhớ lại. Dù vậy, Thanh Trúc dần dần hiểu và chấp nhận chuyện trẻ có vấn đề về phát triển nên đôi khi sẽ xảy ra những chuyện như thế.

Còn Gia Hân, đang hỗ trợ tại phòng can thiệp của Khoa GDĐB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể: “Tôi đang giúp một trẻ đã 4 tuổi nhưng khả năng vận động chỉ ở mức 2 tuổi, đến cách cởi và mang giày bạn cũng không làm được và kỹ năng chơi đùa cũng ở mức độ khá thấp. Qua quá trình can thiệp thì bạn đã tiến bộ hơn, làm được nhiều hoạt động mà GV yêu cầu, có thể tự mang giày chỉ cần tôi hỗ trợ giữ giày thôi. Điều đó làm tôi tin vào công việc đang làm dù thay đổi của các bạn rất, rất là nhỏ so với trẻ khác”.

Trước những định kiến xã hội như “trẻ này mà dạy cái gì, sao mà dạy được”, Gia Hân chia sẻ: “Những đứa trẻ này không phải là không dạy được, không học được mà cần một phương pháp học tập khác so với các bạn mà thôi. Tôi nghĩ mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ khi hiểu rõ hơn về ngành học và công việc đặc biệt này”.

“Có những phụ huynh khi thấy con mình được tôn trọng và dạy dỗ bằng những phương pháp hợp lý, khoa học thì họ không còn gì hạnh phúc hơn. GV GDĐB khi chứng kiến khoảnh khắc ấy, theo tôi, đó là phần thưởng không thể quy đổi được bằng tiền, lan tỏa giá trị tinh thần và nhân văn cực kỳ lớn”, tiến sĩ Hoàng Thị Nga kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.