Chị Thu Hà đã biết đây là công việc không hề dễ dàng, dù những người hảo tâm ủng hộ thì hết sức nhiệt tình và đầy lòng nhân ái. Gia đình anh Võ Hồng Sơn ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã trao cho trung tâm 5.800 m2 đất sạch, nhà trung tâm mua thêm 200 m2 để khuôn viên nhà trường rộng rãi với 6.000 m2 đất sạch.
Nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo (tác giả bài viết) thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. |
Trung tâm khang trang với cây xanh bóng mát đã được dựng lên từ lòng hảo tâm của những nhà tài trợ. Những thiết bị dạy học cho ngôi trường đặc biệt này cũng dần dần được sắm đầy đủ. Trung tâm là một dạng trường đặc biệt, mục tiêu là nuôi và dạy trẻ em khuyết tật ở nhiều dạng và nhiều mức độ khác nhau để các em ở những mức độ khuyết tật khác nhau có vốn học vấn trung bình cỡ THCS, có thể học những nghề phù hợp tùy mức độ và định dạng khuyết tật của các em và cuối cùng có thể hòa nhập với cộng đồng, có thể tự làm việc cũng ở mức độ khác nhau. Đó là mơ ước của trung tâm, dù quá trình dạy và học để thực hiện mơ ước đó là vô cùng khó khăn. Nhưng khi trung tâm được xây dựng lên khang trang, thì việc tuyển sinh, việc vận động tiền tài trợ để trường đi vào hoạt động, việc kêu gọi những giáo viên có lòng nhân ái và sự kiên nhẫn với những lớp đặc biệt này tham gia như những thành viên trong một gia đình giáo dục trẻ em khuyết tật, là những việc mà Giám đốc Thu Hà đã cùng các cộng sự của mình thực hiện thành công.
Sản phẩm của các em học sinh khuyết tật |
Phạm Anh |
Ở một đất nước mà tỉ lệ trẻ em khuyết tật bẩm sinh không hề thấp như Việt Nam, khi mà nhà nước chưa thể bao sân toàn bộ trẻ em khuyết tật trong nước, thì một ngôi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật hoàn toàn xã hội hóa, hoàn toàn phi lợi nhuận như Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn thật là đặc biệt và đáng ngưỡng mộ. Vì chỉ riêng việc xin tiền để hoạt động thông suốt hàng năm, đã là việc hết sức khó khăn rồi. Tôi hỏi chị Thu Hà: “Nếu so với công việc ngày trước chị thường xuyên phải giải quyết hàng ngày khi đang là Phó bí thư Thành ủy TP.HCM với công việc hiện nay là Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn thì chị thấy công việc nào vất vả hơn?”. Chị Thu Hà đã cười: “Mỗi công việc mỗi khác anh ạ, nhưng khi điều hành từ bữa ăn tới giờ học của các em bé khuyết tật này, tôi và chị em cộng sự của mình cảm thấy hạnh phúc. Vì mình đã thực sự giúp các em bé vươn lên trong cuộc sống, giúp gia đình các em có được niềm hy vọng, và góp phần đỡ đần gánh nặng cho xã hội. Chị Thu Hà nói: “Tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ, những nhà hảo tâm, những người đã coi hoạt động của Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn như hoạt động của doanh nghiệp hay của gia đình mình. Sự chia sẻ từ các anh chị có tấm lòng nhân ái đã khiến chúng tôi được cổ vũ rất nhiều khi thực hiện một sứ mệnh không hề dễ dàng này”.
Học sinh Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn |
Phạm Anh |
Tôi hoàn toàn chia sẻ với chị về lời cảm ơn chân thành này, những người nhiệt thành giúp đỡ Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, họ biết người chủ trương thành lập chỉ có một mục đích duy nhất là biến ngôi trường thành tổ ấm của những trẻ em khuyết tật, giúp các em “dẫu tàn nhưng không phế”, nâng đỡ các em phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội khi các em rời mái trường bước ra đời sống.
Với các cô giáo, dạy chữ cho các em đã khó khăn và cần rất nhiều đức kiên nhẫn, còn dạy nghề cũng không hề dễ dàng. Tổ nghề của trung tâm có nhiệm vụ dạy nghề và sản xuất, chủ yếu có hai ngành may và thêu vi tính. Mỗi ngành có các lớp căn bản cho các em mới được tuyển vào và có lớp nâng cao cho các em đã có tay nghề khá hơn, có thể sản xuất ra sản phẩm cho trung tâm. Hàng năm trung tâm thực hiện đào tạo nghề trình độ sơ cấp 3 tháng cho các em khuyếtt tật. Khi tay nghề giỏi các em sẽ được tính lương theo sản phẩm. Ngoài hai ngành may và thêu, các em còn được học thêm một số nghề thủ công như: thêu lắc tay, làm móc khóa, thêu tranh chữ thập, tranh thêu tay…
Từ 14.2.2022, khi trường được dạy và học tập trung trở lại vì dịch bệnh đã lui, cho tới nay, lớp dạy và học nghề của các em đã sản xuất được 1.578 bóp viết, 168 bộ đồ hè trẻ em, 250 cái quần cụt, 36 mũ em bé, 1.053 cặp nhắc nồi, 129 móc khóa, 30 cái khẩu trang, 15 bức tranh thêu. Về gia công, làm được 720 áo gối và 670 cặp nhắc nồi. Các em có tay nghề giỏi được trung tâm trả lương theo sản phẩm, thấp nhất từ 1,6 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Quyết định trả lương này khiến các em vui vẻ, động viên các em phấn đấu hoàn thiện hơn trong công việc, tự tin khi sẽ hoà nhập với xã hội.
Tôi phải kể tỉ mỉ từng thành quả còn nhỏ bé của các em khuyết tật, vì nó không hề nhỏ bé với các em, và nó là động lực để các em vươn lên chủ động trong cuộc sống sẽ còn nhiều khó khăn của mình. Với các em khuyết tật, những thành quả ấy là nhỏ bé với người thường, nhưng với các em là rất lớn lao. Tôi đã tới thăm những phòng sản xuất, nơi các em đang làm việc. Các em ngoan ngoãn đứng lên chào hỏi khách, và tiếp tục làm công việc của mình. Đó là tác phong của những người lao động đang trưởng thành. Thành quả này thật sự lớn lao với một ngôi trường đặc biệt như Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn.
Xin các nhà hảo tâm tiếp tục nhiệt tình hỗ trợ để trung tâm hiện có 134 học sinh này tiếp tục phát triển, và hàng năm được làm lễ ra trường cho một số học sinh đã trưởng thành, đồng thời tiếp nhận những học sinh mới để dạy dỗ, chăm sóc, đào tạo.
Bình luận (0)