Chạm vào ước mơ: Điều ước nửa thế kỷ của Tâm 'si-đa'

28/12/2017 10:30 GMT+7

Những ngày cuối năm 2017, chị Trương Thị Hồng Tâm (tác giả Hồi ký Tâm si đa vượt lên cái chết) hồi hộp từng phút mong giờ sự kiện lần đầu tiên trong đời được chạm tay vào giấy tờ tùy thân của mình…

Gia đình ly tán, sớm lưu lạc giang hồ, Hồng Tâm vướng vào con đường trộm cắp, nghiện ma túy, làm gái mại dâm... Sau quá trình vật vã hoàn lương vào thập niên 1990, chị tích cực vận động những người lầm lỡ làm lại cuộc đời.
Chị tham gia tiếp cận, chăm sóc những trẻ đường phố, bệnh nhân AIDS, tuyên truyền phòng chống HIV. Cũng chính các công việc này đã gắn chặt chị với biệt danh “Tâm si-đa”. 30 năm qua, chị đã nuôi dưỡng nhiều lứa trẻ mồ côi có HIV/AIDS và xem các em như con ruột của mình.
[TRỰC TIẾP] ĐIỀU ƯỚC CỦA TÂM SI ĐA
PV Thanh Niên (trái) cùng chị Trương Thị Hồng Tâm được cán bộ Công an Q.2 hướng dẫn thủ tục làm giấy tùy thân

Mặc dù cuộc đời đã sang trang mới, nhiều lần được tuyên dương và khá nổi tiếng, song thân phận của một người không có giấy tờ tùy thân khiến chị Tâm gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, thậm chí có những lúc rơi vào tuyệt vọng.
Theo chia sẻ của chị Tâm, trong hàng chục năm, chị đã gõ cửa cầu cứu nhiều nơi để xin làm chứng minh nhân dân (CMND) nhưng đều bế tắc. Đến năm 2008, nhờ có công văn chỉ đạo của Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, chị đã trích lục được giấy khai sinh tại Q.2, TP.HCM.
Chị Trương Thị Hồng Tâm ký hồ sơ làm giấy tờ tùy thân
Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Từ giấy khai sinh đến CMND là con đường thăm thẳm, tưởng chừng không có đích đến. Thấu hiểu hoàn cảnh của Tâm "si-đa", một số PV Báo Thanh Niên, trong đó có PV Đình Phú đã tìm cách giúp chị có được giấy tờ tùy thân…
Trung tá Nguyễn Lê Kim Huệ, Phó đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận 2 là một trong những người tận tình hướng dẫn chi tiết từng thủ tục, tháo gỡ từng vướng mắc cho Tâm si đa

Trong thời gian chờ đợi làm giấy tờ, chị bộc bạch: “Nhà báo Đình Phú và gia đình anh hết lòng giúp đỡ tui. Nhưng nói thiệt, nhiều hôm tui bồn chồn lắm, vừa mừng vừa lo. Tuy anh Phú làm báo, đã biết luật rồi, nhưng có khi nào ảnh nghe kẻ nói ra người nói vô mà đổi ý không? Có khi nào vợ chồng ảnh nghĩ rằng cho tui nhập hộ khẩu, sẽ bị tui chiếm nhà, đòi chia tài sản không?... Đời tui đã bị đánh cắp niềm tin nhiều lần rồi, cho nên đến khi nào cầm trong tay thẻ căn cước thì tui mới dám tin đó là sự thật”.
Nhà báo Đình Phú cho hay vào giữa tháng 7.2017, việc giúp chị Tâm khởi đầu với một thứ duy nhất chị có là tờ giấy khai sinh. Trong khi đó, muốn làm được CMND thì phải có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có nhà ở và đăng ký tạm trú, nhưng để làm thủ tục đăng ký tạm trú thì cần phải có giấy CMND! Điều kiện cần cho thủ tục đầu tiên là CMND để được đăng ký tạm trú là cái chị Tâm bao năm qua chưa thể có.
Chị Trương Thị Hồng Tâm từng trải qua hành trình đi làm giấy tờ tùy thân “vắt qua 2 thế kỷ”

Vì vậy, anh Phú đã tranh thủ liên lạc nhiều nơi để từng bước tháo gỡ các vướng mắc cho bà, từ việc làm thủ tục cho bà mượn nhà để ở đến viết từng lá đơn bổ túc hồ sơ nhân thân...
“Căn hộ tôi ở chỉ 50 mét vuông. Khi giúp chị Tâm, tôi chẳng lo ngại hệ lụy gì cả. Người ta phấn đấu vươn tới sự giàu sang, còn chị Tâm nỗ lực phấn đấu chỉ để tìm lại chính mình. Trong hồi ký của mình, chị Tâm từng viết: Càng buồn, tôi càng tìm đến những trẻ em thiếu may mắn. Và tôi nghĩ mình đang may mắn, trong cuộc sống thường ngày bao năm qua cũng từng được nhiều người khác giúp đỡ rất chân tình, nên đã cùng anh chị em đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên cố gắng giúp lại chị Tâm. Chúng tôi mong chị có chút niềm vui để tiếp tục viết lại tên mình, tiếp tục công việc khó khăn mà chị đã nhiều năm gắn bó với trẻ không may nhiễm HIV/AIDS”, anh Phú chia sẻ.
Chị Tâm cho biết thêm chị “có duyên” gắn bó lâu dài với Báo Thanh Niên, đặc biệt là trong một số cột mốc quan trọng của đời mình.
Sau quá trình vật vã hoàn lương vào thập niên 1990, Tâm "si-đa" tích cực vận động những người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Chị tham gia tiếp cận, chăm sóc những trẻ đường phố, bệnh nhân AIDS, tuyên truyền phòng chống HIV.

Gần 20 năm trước, khi chị Tâm đã hoàn lương, PV Phước Vinh viết bài về bà và vận động giúp cho bà được 2 triệu đồng. Chị dùng toàn bộ số tiền đó để thuê nhà, tạo việc làm cho 10 cô gái từng hoạt động mại dâm. Vào năm 2010, khi chị tập trung hoàn thành hồi ký Tâm si đa vượt lên cái chết (ra mắt năm 2012), PV Như Lịch cũng đã tận tình hỗ trợ bà trong việc biên tập bản thảo, tìm đơn vị in ấn. Còn bây giờ, là chuyện giấy tờ tùy thân...
Từ nỗi ước ao đau đáu “vắt qua hai thế kỷ”, Tâm si đa chuẩn bị bước sang tuổi 62 đang dần chạm vào ước mơ đời mình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.