Chánh án TAND tối cao: 'Có tấm lòng nhân ái, thiện tâm hòa giải mới thành công'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/07/2020 15:07 GMT+7

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình , để hòa giải thành công không phải chỉ có hiểu biết pháp luật, không phải chỉ có chuyên môn sâu mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm.

Ngày 13.7, tại Hà Nội, Ban Dân vận T.Ư phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban cán sự Đảng TAND tối cao và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.

Hòa giải 900.000 vụ việc, thành công 80,6%

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai cho biết, trong 20 năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được kết quả đáng khích lệ với 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên; gần 900.000 vụ, việc đã được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành công.
Theo bà Mai, đến nay, với luật Hòa giải ở cơ sở, luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong quy định của bộ luật Lao động góp phần giải quyết tranh chấp lao động, cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính, luật Đất đai, luật Khiếu nại, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... hoạt động hòa giải đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định, chủ trương, lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về hòa giải là đúng đắn và rất cần thiết, từ đó góp phần giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, cộng đồng, giữ gìn đoàn kết, ổn định và đồng thuận xã hội.
Băn khoăn vì số vụ hòa giải chưa thành công vẫn còn 20%, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa được lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo sự lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là ở cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành tư pháp và MTTQ Việt Nam, tòa án các cấp trong việc triển khai thực hiện hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng.
“Đặc biệt là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch xã, phường, thị trấn và tại mỗi khu dân cư, phải làm sao giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở”, ông Mẫn nêu.

Chạm đến trái tim, thức tỉnh lòng cao thượng mới thành công

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vào thời điểm tổng kết nhiệm kỳ, tiến tới Đại hội XIII hiện nay, có thể khẳng định, công tác dân vận là một trong những thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ này bên cạnh rất nhiều thành tựu khác về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phòng chống tham nhũng...
Chánh án TAND tối cao nhìn nhận, qua ý kiến tại hội nghị có thể thấy sự ưu việt của chế độ. “Mỗi một câu chuyện hòa giải đều là những kỷ niệm ấn tượng, xúc động và khó quên trong cuộc đời làm hòa giải viên và chúng tôi đánh giá rất cao”, ông Bình nói.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Ảnh Gia Hân

Ông Bình cho hay, trên cơ sở triển khai chỉ thị của Đảng, tổng kết thực tiễn xét xử và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, TAND tối cao đã tiến hành thí điểm tại một số địa phương và xây dựng luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 vừa qua với số phiếu rất cao.
Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh, với sự ra đời của luật này, chúng ta có một thiết chế hòa giải mới để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đã gửi đến tòa án, nếu như không hòa giải thì phải mở phiên tòa xét xử.
Theo ông Bình, thực chất của hòa giải ở tòa án là công tác dân vận. Bởi "để hòa giải thành công không phải chỉ có hiểu biết pháp luật, không phải chỉ có chuyên môn sâu mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm".
“Các phát biểu cho thấy, tất cả vụ án hòa giải thành đều có phương pháp dân vận khéo, phương pháp vận động chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp thì mới thành công”, ông Bình đánh giá và khẳng định, để thiết chế hòa giải tại tòa án cũng như hòa giải cơ sở, hòa giải trong tố tụng thành công thì trách nhiệm, tấm lòng của hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Từ đó, ông Bình đề nghị, tất cả tòa án, đặc biệt thẩm phán phải xem nhiệm vụ hòa giải như là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, không chỉ giải quyết nhiệm vụ chuyên môn mà giải quyết các nhiệm vụ dân vận của Đảng.
“Các thẩm phán phải tham gia đầy đủ tất cả thiết chế hòa giải, từ hòa giải cơ sở đến hòa giải tại tòa án, đến thiết chế hòa giải theo tố tụng”, ông Bình nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Ban Dân vận các địa phương, cấp ủy chỉ đạo để đưa luật Hòa giải đối thoại tại tòa vào cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.