Chặn đà lạm phí ATM

20/06/2016 09:21 GMT+7

Đưa tiền mệnh giá nhỏ, giới hạn mức rút tiền mỗi lần thấp... là những chiêu của ngân hàng nhằm “móc túi” cả thời gian lẫn tiền phí của khách hàng khi rút tiền qua ATM.

Theo quy định hiện nay, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại máy ATM thấp hơn 2 triệu đồng; mức phí giao dịch rút tiền mặt phổ biến 1.100 đồng/lần tại máy ATM ngân hàng (NH) phát hành thẻ và 3.300 đồng/lần khi rút tại ATM NH khác. Để đối phó quy định này, nhiều NH đưa hạn mức rút ATM lên tối đa 35 tờ với tổng giá trị 5 triệu đồng/lần, nhưng lại xếp hầu hết là tiền mệnh giá 100.000 đồng, 50.000 đồng và thậm chí là 20.000 đồng, khiến người rút tiền mỗi lần chỉ rút được một khoản nhỏ nhưng vẫn tốn phí.
Chị Lan, một công nhân ngụ Q.Gò Vấp (TP.HCM) kể lại câu chuyện dở khóc dở cười khi rút tiền tại ATM: “Mình rút có 5 triệu đồng mà phải thực hiện 3 lần mới có được số tiền này. Nhiều người đứng sau mình chờ sốt ruột, mình cũng sốt ruột mà máy chỉ toàn tờ 50.000 đồng. Chỉ vì muốn thu được nhiều phí mà họ hành khách hàng quá”.
Nhưng câu chuyện hy hữu của ông Quang cách đây vài năm đi kiện NH đòi 5.500 đồng tiền phí rút tiền được xem là đỉnh điểm bức xúc. Ông Quang định rút 15 triệu đồng, như mọi khi chỉ cần 3 lần thao tác là được số tiền này và tốn 3.300 đồng phí. Thế nhưng, lần đó ông phải rút đến 8 lần vì máy toàn nhả tiền mệnh giá thấp, dẫn đến mất phí 8.800 đồng. Bực mình vì mất quá nhiều thời gian, ông Quang kiện NH ra tòa để đòi 5.500 đồng phí rút tiền phát sinh.
Nâng hạn mức rút tiền
Theo lý giải của nhiều NH, sở dĩ họ áp dụng hạn mức rút tiền thấp là để trong trường hợp xảy ra mất thẻ hay thông tin chủ thẻ bị đánh cắp, kẻ gian chỉ thực hiện rút được một lượng tiền thấp thì chủ thẻ phát hiện và ngăn chặn ngay. Tuy nhiên, với thực tế tốc độ phát triển thẻ ATM khá nhanh, hệ thống máy chấp nhận thẻ (ATM, POS, EFTPO, EDC) còn hạn chế thì hạn mức thấp đang thực sự gây phiền hà cho người dùng thẻ.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến quý 1/2016, số lượng thẻ phát hành là 101 triệu, tăng 2,4 triệu thẻ so với quý 4/2015. Trong khi đó, số thiết bị ATM là 17.044 máy (tăng 107 máy so với quý 4 năm 2015); số thiết bị POS, EFTPO, EDC tăng 7.334 lên 230.715 máy. Lượng giao dịch qua ATM quý 1/2016 hơn 184,5 triệu lượt (tăng 8 triệu) với giá trị giao dịch hơn 454.000 tỉ đồng (tăng 38.000 tỉ đồng), trong khi các thiết bị POS, EFTPO, EDC chỉ giao dịch 19,1 triệu lượt với giá trị 58.296 tỉ đồng. Như vậy, xét trên số lần giao dịch cũng như giá trị qua ATM cao gấp 10 lần các thiết bị khác, mỗi một máy ATM phải đáp ứng khoảng 6.000 thẻ và gần 11.000 giao dịch.
Từ thực tế này, NHNN vừa đưa ra dự thảo quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng. “Việc tăng hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM là để giảm thời gian và chi phí rút tiền cho khách hàng”, NHNN lý giải.
Trước thông tin một số NH, đơn vị chấp nhận thẻ phản ứng cho rằng việc tăng hạn mức rút tiền đi ngược với chủ trương không dùng tiền mặt, một chuyên gia nhận xét: Tăng hạn mức rút tiền ATM là hợp lý trong bối cảnh các điểm chấp nhận thẻ chưa phủ hết nơi giao dịch mua bán. Việc tăng hạn mức rút tiền không có nghĩa là khuyến khích chủ thẻ rút toàn bộ tiền trong thẻ. Thực tế, nhiều NH nhận ra hiện tượng quá tải máy ATM nên đã cho phép chủ thẻ rút 5 triệu đồng, thậm chí 10 triệu đồng/lần. “Để khách sử dụng thẻ như một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, các NH cần tăng các điểm chấp nhận thẻ, gia tăng các tiện ích. Vẫn còn đâu đó tình trạng khi sử dụng thẻ thanh toán thì khách phải trả thêm phí 1 - 2%, hoặc hệ thống máy chấp nhận thẻ trục trặc... trong khi đó nếu trả tiền mặt thì không phải mất phí hoặc rơi vào cảnh chạy đi rút tiền”, ông này nói và khuyến cáo thay vì phản ứng việc nâng hạn mức một lần rút tiền, NH cần tập trung tăng cường chất lượng dịch vụ, thu hút nhiều hơn lượng người dùng thẻ NH, khi đó lợi ích mang đến cho cả người sử dụng và NH phát hành thẻ.
Theo chuyên gia nói trên, hiện các NH đều thực hiện tiếp tiền các ATM trong giờ hành chính, hầu hết vào buổi sáng. Vì thế, để tránh trường hợp phải rút tiền nhiều lần, tốn nhiều phí, chủ thẻ không nên rút tại ATM vào dịp lễ, buổi chiều hoặc tối, bởi khi đó hầu hết tiền mệnh giá lớn đã bị rút hết, chỉ còn tiền mệnh giá nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.