Chân dung đạo diễn gốc Việt đưa phim Lào lần đầu 'chạm ngõ' Oscar

Huệ Bình
Huệ Bình
30/12/2019 17:16 GMT+7

Cô gái gốc Việt Mattie Đỗ là nữ đạo diễn hiếm hoi của nền điện ảnh Lào vừa ghi dấu ấn lớn trong công nghiệp điện ảnh nước này khi đưa những thước phim rùng rợn lần đầu 'chạm ngõ' Oscar.

Đạo diễn Mattie Đỗ sinh ra và lớn lên tại Mỹ, trong một gia đình nhập cư từ Lào (mẹ cô người Lào, cha là người gốc Việt sinh trưởng ở Lào). Cô được xem là nữ đạo diễn đầu tiên hiếm hoi của nền điện ảnh Lào.
Lào lần đầu có phim đến với Oscar
Sau khi rời đất Mỹ năm 2010, hai năm sau đó, Mattie Đỗ cho ra tác phẩm đầu tay Chanthaly - bộ phim kinh dị đầu tiên của Lào. Đến tác phẩm thứ hai là Dearest Sister (hoàn thành vào tháng 6.2016), tác phẩm tâm lý giật gân của nữ đạo diễn Mattie Đỗ lần đầu tiên đại diện Lào trong cuộc đua gắt gao đến vòng sơ tuyển của giải thưởng điện ảnh danh giá hàng đầu thế giới Oscar năm 2018.
Câu chuyện trong Dearest Sister theo chân một cô gái trẻ nghèo khó. Cô quyết định lên thành phố để chăm nom người bác gái giàu có nhưng bệnh tật. Bà bác cứ thế mất dần thị lực, nhưng đồng thời bắt đầu sở hữu khả năng tiếp xúc với người cõi âm.

'Dearest Sister' là phim Lào đầu tiên tham dự một kỳ Oscar

Ảnh: OUTNOW

Tác phẩm mới nhất của cô, The Long Walk (sản phẩm hợp tác Lào, Singapore, Tây Ban Nha), thậm chí còn tham vọng hơn, pha trộn chủ nghĩa hiện thực Đông Nam Á với du hành thời gian. The Long Walk kể về người đàn ông luống tuổi gặp một ma nữ, chính ma nữ đã đưa ông trở về cách thời điểm hiện tại 50 năm. Quay về quá khứ, ông ta cố ngăn lưỡi hái của thần chết chạm vào mẹ mình.

'The Long Walk' kể chuyến quay về quá khứ của người đàn ông nhờ một hồn ma

Ảnh: SCMP

Một cảnh trong bộ phim The Long Walk ra mắt năm 2019

Ảnh: SCMP

Trong bài phỏng vấn mới đây với tờ South China Morning Post nhân một buổi ra mắt phim tại Macau - vừa được đăng ngày 30.12, Mattie Đỗ chia sẻ về chuyện khởi nghiệp tại nơi ngành công nghiệp điện ảnh không mạnh. “Tôi không có hứng thú với phim. Tôi là một giáo viên múa ba lê và lúc đó múa ba lê không phát triển ở Lào”, Mattie Đỗ nói.
Chồng Mattie Đỗ - nhà biên kịch người Mỹ Chris Larsen đã khơi dậy niềm yêu thích điện ảnh trong cô. Nữ đạo diễn nhớ lại những ngày đầu tiếp xúc với thị trường phim ảnh Lào: “Tôi đã cùng anh ấy đến một công ty sản xuất phim cũ để trò chuyện về lý do tại sao lại không có nhiều bộ phim ở Lào, nhưng tôi ở đó chỉ để phiên dịch”.
Thể hiện chân thực cuộc sống của người Lào đương đại
Lao Art Media là công ty sản xuất phim đầu tiên của Lào và đã cho ra đời một số bộ phim. “Họ muốn Chris viết kịch bản, làm đạo diễn cho họ, nhưng ảnh tỏ ra giống như “ôi, tôi là một nhà biên kịch, nhưng tôi biết một người nào đó có thể đạo diễn phim””, Mattie Đỗ kể và người “có nhiều năm kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật” trong lời giới thiệu của chồng đã bước chân vào lĩnh vực làm phim.

Mattie Đỗ tại Liên hoan phim quốc tế Hawaii lần thứ 39 tại Honolulu tháng 11.2019

Ảnh: GETTY IMAGES

Mattie Đỗ (giữa) tại thảm đỏ khai mạc Liên hoan phim quốc tế Macau tháng 12.2019

Ảnh: SCMP

Theo South China Morning Post, bộ phim đầu tiên của Mattie Đỗ là phim ma, một bước đi khó ở đất nước chưa có lịch sử làm phim kinh dị. Chanthaly kể về một người phụ nữ trẻ ốm yếu, bị ám ảnh bởi bóng ma của người mẹ đã khuất, xoáy vào vấn đề bất bình đẳng giới. Chanthaly nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ Liên hoan phim Luang Prabang năm 2012.
Cũng theo tờ báo, các bộ phim của Mattie Đỗ thể hiện chân thực cuộc sống của người Lào đương đại. “Đây là những câu chuyện rất riêng của tôi và tôi miêu tả bằng các hình ảnh mà tôi muốn. Chồng tôi sẽ phác thảo kịch bản đầu tiên và chúng tôi xây dựng trên nền tảng đó. Sau nhiều lần chỉnh sửa, kịch bản được xem là hoàn chỉnh ra đời cộng với ứng biến của diễn viên, sẽ tạo nên tác phẩm đẹp”, Mattie Đỗ nói về quá trình viết lách cùng chồng.
Đạo diễn Mattie Đỗ nói rằng cô chịu nhiều ảnh hưởng từ bộ phim The Killing Fields (Cánh đồng chết, 1984). Đó là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật của Sydney Schanberg (nhà báo Mỹ) và Dith Pran (nhà báo người Campuchia, hướng dẫn viên đồng thời làm phiên dịch cho Sydney Schanberg).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.