Chân dung 'ông trùm' chất bán dẫn

04/08/2022 09:43 GMT+7

Trong hơn nửa thế kỷ qua, khi chất bán dẫn trở thành trung tâm của sự đổi mới công nghệ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của lĩnh vực này cũng nhận được sự chú ý rất lớn từ công chúng.

Khoảng một tuần nay, bên cạnh thông tin về việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, có một nhân vật khác cũng được nhắc đến thường xuyên đó là Mark Liu, Chủ tịch hãng sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), vì nhiều ý kiến cho rằng chất bán dẫn mới là tâm điểm của chuyến đi đặc biệt này.

Chủ tịch TSMC Mark Liu trong buổi phỏng vấn với CNN

chụp màn hình

Mark Liu, còn có tên là Deyin Liu, sinh ra ở Đài Bắc, Đài Loan, vào năm 1954. Sau khi lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện tại Đại học Quốc gia Đài Loan, ông qua Mỹ tiếp tục học thạc sĩ và tiến sĩ về kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley, đại học công lập uy tín hàng đầu thế giới. Từ năm 1983 đến 1987, ông Liu làm việc cho Intel Corporation, phát triển công nghệ xử lý silicon cho bộ vi xử lý Intel.

Năm 1993, ông quay về Đài Loan và bắt đầu làm việc cho TSMC. Năm 2012, ông nhận chức vụ giám đốc điều hành TSMC. Ông Liu là chủ tịch TSMC kể từ tháng 6.2018 và được chú ý vì đã giúp TSMC trở thành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất ngành bán dẫn. Dưới sự dẫn dắt của ông, TSMC đã được trao danh hiệu Top 100 Nhà lãnh đạo Công nghệ Toàn cầu của Thomson Reuters vào năm 2018.

Hiện TSMC có vốn hóa thị trường khổng lồ 426 tỉ USD, đứng vững vị trí công ty có giá trị nhất châu Á và là một trong những công ty giá trị nhất toàn cầu. Dựa trên các yếu tố xã hội và thu nhập, giá trị tài sản ròng của ông Liu được ước tính khoảng 885 triệu USD vào tháng 7.2022.

‘Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực’

Đầu tuần này, người đứng đầu TSMC đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn hiếm hoi với CNN. Không chỉ đưa ra quan điểm về việc các yếu tố mâu thuẫn chính trị ảnh hưởng như thế nào đối với TSMC, ông Liu còn cho thấy TSMC dường như đang chuẩn bị cho một kịch bản mà ở đó sự trả đũa của Bắc Kinh vượt ra ngoài các lệnh cấm xuất khẩu.

“Nếu bạn sử dụng lực lượng quân sự hoặc xâm lược, bạn sẽ không thể khiến nhà máy của TSMC hoạt động được vì đây là cơ sở sản xuất tinh vi. Nó phụ thuộc vào thời gian thực hiệu chỉnh với thế giới bên ngoài. Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực”, ông Liu nói.

Theo ông Liu, mặc dù kinh doanh chip là ngành rất quan trọng đối với nền kinh tế Đài Loan, nhưng nó không nên là mối quan tâm lớn nhất trong tình hình mâu thuẫn. Thay vào đó, mọi người nên lo lắng nhiều hơn về sự phá hủy trật tự thế giới dựa trên các quy tắc và sự thay đổi lớn trong bối cảnh địa chính trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.