Chăn nuôi lỗ nặng vì heo mất giá

03/05/2023 06:30 GMT+7

Giá heo hơi trong tháng 4 đã nhích trở lại nhưng vẫn đang thấp hơn giá thành khiến các hộ chăn nuôi lẫn doanh nghiệp lớn đều lao đao, thua lỗ.

Một con heo lỗ 400.000 - 500.000 đồng

Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Hoa Phượng (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - một trong những chủ trang trại có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, cho biết giá thức ăn và nguyên liệu tăng quá cao khiến giá thành chăn nuôi của trang trại đã bị đội lên khá nhiều so với mấy năm trước. 

Ông ví dụ, chỉ riêng tiền cám mỗi con heo đã lên tới 3,8 - 4 triệu đồng. Cộng thêm 1,2 triệu đồng là giá thành cho 1 con heo giống, chi phí sản xuất 1 con heo trong trang trại là 5,2 triệu đồng. Với giá xuất chuồng 48.000 - 50.000 đồng/kg trong những tháng đầu năm, riêng trong tháng 4 tăng 1.000 - 2.000 đồng thì hiện tại cứ 1 con heo bán ra, lỗ 400.000 - 500.000 đồng. 

"Đây là đang tính trong trường hợp không bị hao hụt trong quá trình nuôi. Còn nếu xảy ra hao hụt, mức lỗ còn cao hơn nữa. Và bản thân tôi tự cung cấp heo giống, nếu những người chăn nuôi khác phải mua heo giống thì chi phí đầu vào có thể cao hơn", ông Thắng nói.

Chăn nuôi lỗ nặng vì heo mất giá - Ảnh 1.

Giá heo ở mức thấp, từ hộ chăn nuôi đến doanh nghiệp lớn đều thua lỗ

CHÍ NHÂN

So với cuộc khủng hoảng thừa hồi năm 2017, theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Thắng, hiện tại còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì thời điểm đó, người chăn nuôi vẫn còn vốn tích lũy được. Trong khi hiện nay gần như toàn bộ người nuôi heo đã kiệt quệ về vốn liếng, bởi mấy năm qua liên tục đối mặt với những khó khăn lớn, từ dịch tả heo châu Phi tới Covid-19 rồi giá thức ăn tăng quá cao và giá bán giảm mạnh khiến họ thiệt hại nặng nề.

Tình trạng lỗ từ 400.000 - 500.000 đồng trên mỗi con heo xuất chuồng cũng là hiện tượng phổ biến của nhiều trang trại ở khắp cả nước. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết chuyện lỗ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng trên mỗi con heo bán ra hiện đang khá phổ biến. Trong thời gian gần đây, giá heo tăng nhưng thực tế việc tiêu thụ heo trong dân vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân là các trang trại lớn tăng giá bán và tăng chiết khấu cho thương lái nên không ai mua heo cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, cùng với dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn tăng quá cao trong thời gian qua, trong khi có nhiều thời điểm giá heo giảm sâu khiến cho hàng loạt người phải bỏ nghề. Nếu như cách đây vài năm, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tới 70% tổng đàn ở tỉnh này thì hiện chỉ còn khoảng 25 - 30%. Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai xác nhận, ngành chăn nuôi đang teo tóp nhanh chóng. Cách đây 10 năm, VN có 10 triệu hộ chăn nuôi, 3 năm trước còn lại 4 triệu hộ thì nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ. Không những vậy, nhiều cơ sở chăn nuôi khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Doanh nghiệp lớn cũng lỗ nặng

Không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao mà bản thân nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng có kết quả buồn trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Tập đoàn Dabaco, một trong những doanh nghiệp được xem là "ông lớn" của ngành chăn nuôi heo VN, báo lỗ kỷ lục gần 321 tỉ đồng trong quý đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 8,6 tỉ đồng. Theo giải trình từ Dabaco, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm. Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. 

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra, Chủ tịch HĐQT Dabaco Nguyễn Như So nhận định năm nay cực kỳ khó khăn. Với tình hình giá như hiện nay, chắc chắn công ty phải chịu đựng tới hết quý 2/2023. Trước đây, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 - 29 triệu con là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại giảm.

Một "ông lớn" khác cũng báo lỗ ở mảng nông nghiệp là Tập đoàn Hòa Phát. Quý 1/2023, Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 383 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan đóng góp đến 94% lợi nhuận sau thuế. Riêng mảng nông nghiệp của Hòa Phát bị lỗ lớn nhất từ trước đến nay với 117 tỉ đồng. Hiện bên cạnh chăn nuôi heo, HPG còn đang cung cấp trứng gà sạch vào các siêu thị.

Hay Công ty CP nông nghiệp BAF VN ghi nhận doanh thu quý 1/2023 của BAF giảm 47% xuống còn 816 tỉ đồng. Công ty bị lỗ từ hoạt động kinh doanh thuần gần 3 tỉ đồng. Thế nhưng, nhờ nguồn thu từ việc thanh lý tài sản lên hơn 9,2 tỉ đồng nên kết quả BAF vẫn có lợi nhuận sau thuế gần 4 tỉ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước. BAF trong hơn 2 năm trở lại đây đã và đang cho thấy sự đầu tư mạnh vào mảng heo. Năm 2022, BAF gây chú ý trên thị trường với thương hiệu thịt heo ăn chay, trong đó heo được nuôi bằng công thức cám độc quyền của công ty…

Hoặc bản thân Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận lãi sau thuế trong quý 1/2023 gần 308 tỉ đồng nhưng chủ yếu nhờ mảng trái cây. Trong khi đó, giá thịt heo vẫn duy trì ở mức thấp nên gần như không mang lại lợi nhuận. Dù chủ động và tiết giảm được chi phí rất lớn do heo được nuôi công thức cám riêng với các sản phẩm từ chuối, bắp… do công ty tự trồng, nhưng Hoàng Anh Gia Lai cũng chia sẻ 2023 này mảng heo khó có lãi và quý 1/2023, theo bầu Đức, là không có lãi thật. Do nhận định thị trường heo rất khó, nên công ty vẫn cứ thận trọng lên kế hoạch dù giá heo đang hồi phục...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.