Tôi cảm thấy may mắn vì sinh ra và lớn lên trong cảm giác đủ đầy, cả tình thương lẫn vật chất. Từ khi còn rất bé cho đến hết thời trung học, với sự bảo bọc của gia đình và năng lực của bản thân, tôi đã luôn tin rằng, chỉ cần học giỏi, tự mình tôi có thể làm mọi thứ, không cần ai khác.
Cứ như thế, như rất nhiều đứa trẻ khác, tôi đã lao vào học, học và học thật giỏi. Lúc ấy, tôi chỉ biết có chính mình, hơn thua bạn bè để đứng nhất. Tôi không quan tâm lắm đến những mối quan hệ xã hội, ngoài gia đình.
Tận mãi cho đến khi bước vào đại học, rời quê, xa gia đình, tôi vẫn luôn tự tin với hành trang dày cộm những thành tích học tập. Kỹ năng duy nhất tôi có để đến TP.HCM là kỹ năng học, thi và đạt thành tích.
Thế rồi, rất nhanh sau đó, tôi rơi vào khủng hoảng khi thiếu sự lo lắng của gia đình. Tôi dường như bị đánh gục với cuộc sống tập thể tại căn phòng trọ 20 m2 nhưng có tới 6 người chen chút. Tôi muốn đầu hàng với phương pháp học tập theo nhóm tại giảng đường.
Sống tập thể, mỗi người mỗi tính, thật phiền khi nhiều thứ phải sẻ chia. Học tập thể, mỗi người mỗi ý, thật ức chế khi ý kiến của mình bị phản bác tả tơi. Tôi đâm ra chán ghét mọi thứ khi vị trí độc tôn của mình bị phá vỡ. Tôi trách hờn mọi người, trừ tôi!
Tháng đầu tiên của cuộc sống sinh viên thật chán ngán với điểm nhóm đầu tiên cực thấp và cảm giác tiêu cực khi bước về phòng trọ. Tôi đã tự ý bỏ hết những ý kiến khác mình khi tập hợp bài nhóm. Tôi cự cãi với bạn cùng phòng chỉ vì cục xà phòng, chai dầu gội.
Cho đến một ngày tôi đổ bệnh, đứa bạn cùng phòng sẵn sàng bỏ buổi học quan trọng chạy đôn chạy đáo nào cơm nào cháo để chăm sóc tôi. Sau đó, tôi lại được nhóm học tập âm thầm tổ chức sinh nhật, dù tôi mới gây lỗi lầm ảnh hưởng đến kết quả chung.
Có người bảo, sự chân thành sẽ cảm hóa được mọi thứ. Và tôi cũng đã được “đánh thức” từ những sự chân thành. Tôi nhận ra, để sống tốt, tôi không thể sống một mình và chỉ sống với gia đình mình.
Kiến thức, điểm số và thành tích không giúp tôi giải quyết được mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Và tôi quyết tâm lao vào công cuộc “đập vỡ” những suy nghĩ đã trở thành định kiến để dấn thân học cách chung sống với mọi người.
Tôi tham gia cùng lúc 5 câu lạc bộ, đội, nhóm. Mỗi tập thể một đặc thù tôi rèn cho tôi khả năng kết nối với nhiều dạng người. Tôi tiên phong trong các chiến dịch tình nguyện và tiếp xúc cộng đồng. Mỗi cộng đồng một hoàn cảnh và gắn với một màu sắc của cuộc sống đã rèn cho tôi góc nhìn vấn đề đa chiều và nhận thức về tôn trọng sự khác biệt.
tin liên quan
Cô giáo 'hot girl' tận hưởng thanh xuân trong từng công việcChưa bao giờ từ chối công việc được giao và luôn tìm được hạnh phúc trong công việc. Đó là trải lòng của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (32 tuổi), giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM khi được hỏi về tuổi thanh xuân của mình.
Chỉ vỏn vẹn một năm, tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. Cởi mở hơn, ít hẹp hòi hơn, suy nghĩ cho cá nhân mình ít hơn và bắt đầu biết nghĩ cho người khác.
Bài học đầu đời tôi nhận được là nếu muốn nhận lại, phải cho đi. Nếu muốn được tập thể tôn trọng, phải tôn trọng tập thể. Muốn có được lợi ích, bản thân phải có giá trị và muốn có bạn tốt, phải là một người chân thành.
Đi qua năm tháng, tôi tin rằng những điều mình làm đều trở thành sự tích lũy. Khi sự tích luỹ đến ngưỡng, thành quả sẽ xuất hiện. Tôi từ một người ghét những gì mang tính tập thể vươn lên trở thành người dẫn đầu một tập thể và đóng vai trò kết nối.
|
Năm 20 tuổi, tôi được chọn làm “thủ lĩnh” cho một đội hình tư vấn và giảng dạy pháp luật cộng đồng của trường ĐH. Đây là một mô hình đào tạo pháp luật gắn với thực hành và các giá trị cộng đồng. Theo đó, sinh viên luật sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho những cộng đồng yếu thế để thực hành kiến thức và phát triển bản thân.
Những gì đã diễn ra tại đội hình này cho tôi những suy nghĩ rộng mở hơn về những giá trị cốt lõi và to lớn giữa bản thân với mọi người và xa hơn nữa là cộng đồng. Tôi đã trưởng thành từ những hoạt động trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng.
Cứ ngỡ, hoạt động thiện nguyện là cho đi, là giúp đỡ người khác nhưng hóa ra đó là việc tôi đang giúp chính bản thân mình. Cộng đồng đã cho tôi những cơ hội quý giá để trau dồi vốn sống, mở mang những góc nhìn, giúp tôi trải nghiệm và hình thành trong tôi những thái độ đúng đắn với công việc mình đang làm, nghề mình đang theo đuổi cũng như cuộc sống xung quanh.
tin liên quan
'Tuổi trẻ chúng ta chỉ có mười ngàn ngày thôi bạn ạ!'Thấm thoát gần 10 năm trôi qua, tôi vẫn đang tiếp tục hành trình mang “ánh sáng pháp lý đến với cộng đồng” cùng với đội hình tư vấn và giảng dạy pháp luật cộng đồng của Trường ĐH Kinh tế - Luật. Có thể nói đây là ngôi nhà thứ hai của tôi. Và tuổi thanh xuân dường như tôi đã dành một phần rất lớn cho tập thể này, từ khi mới là một sinh viên năm hai đầy ấu trĩ đến khi trở thành một anh thầy dạy luật nhiều nhiệt huyết.
Những gì đã trải nghiệm, đã học qua năm tháng, tôi đã mang trọn lên giảng đường để sống cùng những cô cậu học trò của mình. Từng bài giảng, từng hoạt động ngoại khóa, tôi luôn không ngừng dạy cho bọn trẻ cách để sống cùng người khác. Và tôi cho rằng đó là giá trị cuối cùng của giáo dục.
28 tuổi, ngẫm nhìn lại tôi bỗng mỉm cười không chút hối tiếc. Vì tôi đã có một tuổi thanh xuân đầy ý nghĩa.
Bình luận (0)