Chẳng phải bỗng dưng!

06/10/2020 04:23 GMT+7

Liệu có phải bỗng dưng mà mô típ “ giang hồ ” lại trở thành công thức kiếm tiền thành công trên mạng ở Việt Nam?

Mấy vụ “giang hồ sống ảo” nổi đình nổi đám trên mạng như Khá Bảnh, như Huấn Hoa hồng… khiến xã hội bức xúc và các nhà quản lý phải vào cuộc để ngăn chặn. Cũng chẳng mấy dễ dàng, vì các khuôn khổ luật pháp nhiều khi cũng chưa kịp nhận diện loại hành vi gây tác hại xã hội kiểu này và định khung hình phạt kịp thời.
Nhưng dù có khó mà chính quyền quyết tâm vào cuộc thì cũng sẽ có hành động hiệu lực để điều chỉnh thực tế đảo lộn xã hội này mà thôi.

Rộn ràng livestream sống ảo trước phiên tòa xét xử Khá "bảnh" - Thực hiện: Kiến Trần

Giờ lại thêm chuyện mấy loại phim “giang hồ áo trắng” như thể thách thức các giá trị giáo dục, như thể trêu ngươi cảm xúc của những người làm cha làm mẹ, làm thầy làm cô đang ngày ngày đăm đăm chăm lo phận sự dạy dỗ con em, dạy dỗ học trò cho nên người nên nết.
Có nên người nổi không, khi mà học trò rủ nhau tìm kiếm trên mạng những bộ phim mà chỉ cần nghe tên phim thôi đã đủ để ngửi thấy mùi “khói súng” giang hồ khét lẹt. Những là Lớp trưởng tôi là đại ca, Bạn gái tôi trùm trường, Trùm trường đại chiến… rồi nữa là Cô giáo tôi là trùm cuối, Giang hồ đi học… Lời thoại phổ biến trên phim là văng tục, chửi thề. Hành động phổ biến trên phim là gây hấn, đánh lộn, hỗn chiến, nhậu nhẹt, giành gái. Nhân vật phim là học trò áo trắng nhưng tóc tai nhuộm xanh nhuộm đỏ, mặt đằng đằng sát khí, kéo băng nhóm, đàn em hỗn chiến sân trường.
Đáng nói, sau lưng những bộ phim kiểu này lại là không ít người thuộc giới nghệ sĩ, tổ chức sản xuất và phát hành thứ phim thứ nhạc phi văn hóa, phi giáo dục như thế. Họ lao vào cái công thức thành công quái dị này để câu view của công chúng trẻ mà bất chấp những câu hỏi về trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ. Chính những nghệ sĩ thiếu đạo đức này đã góp tay tạo ra cái thực tế nghệ thuật quái gở “giang hồ áo trắng” chứ chẳng có bỗng dưng gì cả.
Rồi ai góp tay nữa? Là chúng ta, là chúng ta mỗi ngày xem thường những chuyện tưởng chừng như chuyện nhỏ vô hại nhưng vô tình đã tạo môi trường nuôi dưỡng những thứ nguy hiểm phá hoại các giá trị giáo dục và nhân văn. Học trò văng tục công khai trên mạng mà như thể là trò vui ngộ nghĩnh của khẩu ngữ tuổi teen, học trò đùa nhau mà dùng câu chửi như thể chửi kẻ thù, còn người lớn cứ dửng dưng làm quen như thể chuyện bình thường, không mấy ai có lời nhắc nhở nghiêm khắc. Cái mầm mống giang hồ trỗi dậy dễ dàng từ đâu đó trong sâu thẳm của bản năng khi mỗi ngày những lời lẽ kiểu giang hồ trở thành thói quen trên cửa miệng.
Thế thì xúm lại coi kiểu phim “giang hồ áo trắng” rồi bấm like, thả tim để trở thành fan hâm mộ cũng là chuyện tất yếu, chứ chẳng phải bỗng dưng đâu.
Và các nhà quản lý văn hóa, cứ thong thả ngồi chờ ai đó báo cáo nội dung độc hại thì mới vào cuộc xử lý ngăn chặn. Thế thì chẳng phải bỗng dưng đâu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.