Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đã trao toàn bộ số tiền bạn đọc (BĐ) ủng hộ tới Phước. Cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng có mặt, động viên học trò.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, và Huỳnh Hữu Phước trao bảo trợ cho bé Hoàng Đan Kim và gia đình |
Ngọc Dương |
Chia sẻ sự giúp đỡ đến những hoàn cảnh khó khăn khác
Chỉ sau ngày đầu tiên Báo Thanh Niên đăng tải câu chuyện về Huỳnh Hữu Phước, chàng shipper nói tiếng Pháp ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM), rất nhiều BĐ đã gửi tiền ủng hộ tới bạn. Nhận thấy đã đủ tiền để đi học, Phước nhờ báo thông tin xin ngừng nhận sự giúp đỡ của mọi người. Tuy nhiên, thông qua tài khoản của Báo Thanh Niên, BĐ khắp nơi vẫn gửi tiền về.
Được ủng hộ tiền, shipper nói tiếng Pháp trích một phần bảo trợ trẻ mồ côi vì Covid-19 |
Từ chối nhận hết về mình các khoản tiền ủng hộ của mọi người, Phước cho biết bạn xin dành một phần tiền các nhà hảo tâm tặng mình để trao thêm cơ hội được đi học cho những bạn kém may mắn khác. Biết đến Chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên - đồng hành, bảo trợ cho trẻ em mồ côi cha/mẹ trong dịch Covid-19, Phước đã trích số tiền BĐ tặng mình để bảo trợ cho em Hoàng Đan Kim, đang học lớp 4 tại Trường tiểu học Vàm Cỏ Đông, Q.8 tới năm em 18 tuổi là 290 triệu đồng.
4 bạn sinh viên và đại diện gia đình chứng kiến Huỳnh Hữu Phước ký thỏa thuận chia sẻ tiền ủng hộ của bạn đọc thành học bổng |
Bé Kim có cha mất vì Covid-19, 4 mẹ con sống cùng ông bà nội. Kim là con gái đầu, em trai giữa đang bị sang chấn tâm lý sau khi ba mất và bị viêm màng não mủ để lại di chứng, em gái út bị tim bẩm sinh, môi hở hàm ếch nên mẹ em phải ở nhà chăm các con, không có thu nhập.
Phước cũng dành một phần tiền để tặng 6 bạn sinh viên năm nhất mồ côi cha/mẹ vì Covid-19, đang học tại các trường CĐ, ĐH, mỗi bạn 30 triệu đồng để lo học phí. Ngay trong chiều qua, lễ ký kết bảo trợ cho bé Đan Kim và 6 sinh viên mồ côi vì Covid-19 đã diễn ra.
Số tiền còn lại Phước nhận đủ chi phí thuê nhà trọ, học phí… cho khoảng thời gian học ĐH và nhờ báo mở một sổ tiết kiệm 200 triệu đồng như một học bổng được sử dụng khi em xong ĐH và học tiếp thạc sĩ như ước mơ của mình.
“Từng đi làm đủ nghề, em thấu hiểu được sự vất vả khi các bạn vừa phải đi học, vừa lo mưu sinh. Cha mẹ ly tán, em cũng là một đứa trẻ sống thiếu hơi ấm, tình yêu thương của cả cha và mẹ nên hiểu sự khó khăn của các bạn nhỏ mồ côi cha/mẹ trong Covid-19. Những khoản tiền này sẽ giúp các bạn, các em yên tâm đến trường. Em tin rằng những BĐ Báo Thanh Niên đã gửi tiền cho em đi học, khi biết em chia sớt sự ủng hộ này tới những bạn học sinh, sinh viên khó khăn khác cũng sẽ vui lòng và ủng hộ quyết định của em. Vì yêu thương là để cho đi”, Phước chia sẻ.
Nghẹn ngào cảm động
Chia sẻ tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho biết câu chuyện về Phước - chàng shipper nói tiếng Pháp đã được lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua, khiến nhiều người xúc động. Số tiền, những lời động viên mà BĐ dành cho Phước là một minh chứng cho thấy cuộc đời có rất nhiều điều tử tế, tốt lành; mọi người sẵn sàng chia sẻ, đùm bọc nhau lúc khó khăn.
Cô Trần Lê Bảo Chân có mặt tại buổi trao tặng, cũng gửi lời cảm ơn BĐ Báo Thanh Niên đã dành những quan tâm sâu sắc tới Phước, một sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, dù phải tạm bảo lưu việc học đã 2 năm nhưng chưa phút giây nào thôi khao khát được đi học tiếp. Cô cho biết hiếm có trường hợp nào bảo lưu mà có thể có ý chí và khát khao quay lại học được như Phước.
Chị Lâm Tú Nhung, mẹ bé Đan Kim, rưng rưng: “Phước cũng rất khó khăn, nhưng em đã nhường một phần tiền được giúp đỡ để hỗ trợ người khác, đó là điều khiến tôi xúc động và càng thêm niềm tin rằng cuộc đời này còn rất nhiều điều tốt đẹp”.
Đừng bao giờ đánh mất lửa trong tim mình
Câu chuyện về chàng shipper nói tiếng Pháp Huỳnh Hữu Phước những ngày qua nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả Báo Thanh Niên.
Đang là một học sinh được gia đình chăm lo, bảo bọc, cuộc đời của Phước đổi thay 180 độ. Biến cố quá lớn khiến gia đình không giữ được ngôi nhà, ba mẹ cũng mỗi người một nơi, nam sinh viên tự “bơi” giữa đời với đủ nghề khác nhau để có đủ tiền để ăn, trả tiền nhà trọ, đóng học phí…
Thầy cô ở trường hỗ trợ tiền để Phước đi học, nhưng gặp những áp lực lớn từ việc kiếm tiền, khủng hoảng từ gia đình, nam sinh viên bị trầm cảm nặng nề, không giữ được kết quả học tập tốt. Thấy có lỗi với sự giúp đỡ từ thầy cô, Phước xin bảo lưu việc học để làm phụ bàn, bưng bê cà phê, bảo vệ, giao hàng...
Dù vất vả đến đâu, chàng shipper cũng không quên được đam mê tiếng Pháp và văn chương Pháp, đi đâu cũng mang sách để đọc. Số tiền kiếm được, Phước dành dụm mua sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn để đọc, ôn bài, mong ngày đi học lại.
Sau video Phước nói tiếng Pháp ở đường sách giao lưu với nhà văn Marc Levy, câu chuyện cuộc đời xúc động của Phước được Báo Thanh Niên đăng tải, cộng đồng đã cùng chung tay hỗ trợ để bạn tiếp tục được trở lại giảng đường. Mới đây Phước đã làm xong thủ tục đăng ký đi học trở lại sau thời gian bảo lưu. Phước sẽ tiếp tục trở lại giảng đường sau Tết Nguyên đán 2023.
Kết thúc có hậu trong câu chuyện của chàng shipper nhắc nhở mỗi người rằng những điều tử tế luôn hiện diện trong cuộc đời. Dẫu một mai cuộc sống thử thách bạn với những khó khăn, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ và lụi tắt ngọn lửa trong trái tim mình.
Bình luận (0)