Đó là chia sẻ của ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling - DTR).
Câu chuyện chúng tôi thảo luận được diễn ra ngay bên lề một hội nghị về môi trường, bởi gần đây ông Lê Anh bận rộn với công việc truyền cảm hứng cho cộng đồng về những hành động thiết thực nhất mà mỗi người đều có thể làm, đó là sử dụng các sản phẩm tái chế.
VN cần xây dựng cộng đồng diễn giả quốc tế về môi trường
Đây là lần thứ 2 chúng ta gặp nhau trong tháng này, cũng về chủ đề môi trường. Vậy ông định chia sẻ điều gì với cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) ở sự kiện lần này?
Vâng! Thật ra thì câu chuyện mà tôi muốn kể vẫn xoay quanh chủ đề tái chế rác thải nhựa của DTR và hành trình chinh phục các tập đoàn đa quốc gia tại VN cũng như việc xuất khẩu sản phẩm nhựa tái sinh vào các thị trường khó tính như Mỹ và EU. Đối với nhiều người, cả trong và ngoài nước thì một chai nhựa không phải dùng một lần rồi bỏ đi mà nó có đến 50 vòng đời khác khi bạn tái chế đúng cách là một câu chuyện rất thú vị. Cũng vì thế, tôi muốn kể đi kể lại nhiều lần để mọi người có thể hiểu hơn về ngành công nghiệp tái chế ở VN.
Những người nước ngoài, cảm xúc của họ thế nào về câu chuyện mà ông chia sẻ?
Những người nước ngoài, như các doanh nghiệp Đài Loan tham gia diễn đàn ở VN hôm nay chẳng hạn, họ thấy thú vị vì không ngờ VN lại có một doanh nghiệp tái chế "xịn sò" - từ chai ra chai (bottle to bottle) như vậy. Thực ra, công nghệ tái chế ở Đài Loan đi trước chúng ta hàng chục năm, nhưng cũng vì đi sớm nên nay họ đã có phần lạc hậu và bất ngờ khi biết rằng VN có thể làm được chuyện này. Đây cũng là cảm xúc chung mà tôi nhận thấy khi làm diễn giả ở nhiều diễn đàn nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan, Malaysia… Bạn bè quốc tế, đặc biệt là đại diện khu vực của các tập đoàn đa quốc gia đều bày tỏ sự thích thú với câu chuyện tái chế nhựa của DTR. Ví dụ tại Malaysia, ban đầu không ai biết mình nhưng sau phần trình bày của tôi thì có rất nhiều người xếp hàng chờ để trao đổi danh thiếp và kết bạn.
Kết nối sâu hơn với họ, ông thấy họ đánh giá về ý thức bảo vệ môi trường cũng như ngành công nghiệp tái chế của VN ra sao?
Không hiểu vì sao, bằng cách nào mà trong tư duy của không ít người thì VN là một trong những nước xả rác thải nhựa ra môi trường hàng đầu thế giới. Chính vì thế, khi biết VN mình đạt trình độ xử lý rác thải nhựa cao như vậy, họ rất ngạc nhiên. Điều mà tôi cảm thấy tiếc là các nước có một cộng đồng doanh nghiệp tái chế và diễn giả khá đông. Vì thế, tôi hy vọng chúng ta sớm có một cộng đồng như thế để giúp thế giới thay đổi nhận thức về môi trường của VN.
Nhưng để thuyết phục được cộng đồng quốc tế không thể chỉ cần có cộng đồng diễn giả mà phải xây dựng trên nền tảng chuyển đổi thật?
Chính xác. Nhiều người từng hỏi tôi: "Làm sao để DTR có đầu ra là khách hàng quốc tế?". Câu trả lời là phải sản xuất ra sản phẩm tốt nhất. Đó là trải nghiệm thực tế của DTR. Trong 6 tháng đầu năm nay, DTR đã xuất khẩu 7.770 tấn hạt nhựa tái sinh đi 15 nước trên thế giới, nếu tính từ khi DTR đi vào hoạt động đến nay tổng lượng xuất khẩu là 24.000 tấn; nhưng chưa có một lời phàn nàn nào từ phía khách hàng. Để làm được như vậy, ngay từ đầu, DTR đã lựa chọn và đầu tư vào công nghệ cốt lõi. Ý tôi muốn nói là, không còn con đường nào khác là làm thật nhất, tốt nhất.
Giữ lại tài nguyên tái chế để phục vụ người Việt
Một trong những mục tiêu mà ông tham gia làm diễn giả ở các nước là để mở rộng cơ hội xuất khẩu? Vậy kết quả thu về thế nào?
Ngoài những diễn đàn khu vực, châu Á thì DTR còn tham dự các hội trợ, triển lãm ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Thành công mà chúng tôi nhận về không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường quốc tế mà chính là cảm giác hòa nhập vào xu hướng phát triển chung của thời đại - một kỷ nguyên mới của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vì thiên nhiên và môi trường.
Nhưng cũng nhờ đi nhiều nơi, tôi nhận ra rằng các nước đều xem rác thải và đặc biệt rác thải nhựa là tài nguyên. Chính vì vậy, họ tìm cách đầu tư và tái chế nó một cách tốt nhất. Khi nhận ra điều đó, DTR không mong muốn xuất khẩu nhiều nhất mà ngược lại, chúng tôi mong muốn người VN có thể sử dụng nhiều nhất sản phẩm tái chế, việc này có lợi cho môi trường của chính chúng ta. Với mục tiêu đó, nếu năm trước tỷ lệ xuất khẩu chiếm 60% thì năm nay tỷ lệ này là 50 - 50. Chúng tôi muốn giữ lại nguồn tài nguyên tái chế phục vụ người Việt, phục vụ các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của VN.
Tỷ lệ đó có thể hiện ý thức bảo vệ môi trường của người Việt, doanh nghiệp Việt đã được cải thiện?
Đúng nhưng chưa đủ. Bởi việc cân bằng đầu ra giữa nội địa và xuất khẩu là do khách hàng truyền thống của DTR tăng nhu cầu sử dụng. Mà các khách hàng này chủ yếu là những tập đoàn đa quốc gia. Vẫn còn không ít người Việt mình định kiến với sản phẩm tái chế, họ cho rằng sản phẩm tái chế không đạt chất lượng như nhựa nguyên sinh.
Vậy làm sao để phá vỡ những định kiến đó?
Người Nhật ngày nay khi dùng một cái chai nào đó xong họ sẽ rửa sạch rồi tách nhãn, nắp và thân chai riêng trước khi bỏ vào thùng rác. Họ ý thức rằng đó là những loại nhựa khác nhau và quy trình tái chế khác nhau. Những việc nhỏ đó đến từ quá trình giáo dục lâu dài chứ Nhật Bản mấy chục năm trước rất khác so với bây giờ. Ở VN, luật phân loại rác tại nguồn bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm sau. Tôi tin và hy vọng rằng đây là một hình thức giáo dục hiệu quả và người dân sẽ từng bước nâng cao ý thức hơn. Bởi phân loại rác tại nguồn sẽ giúp việc tái chế thuận lợi hơn khi nguồn vật liệu được vệ sinh, nhờ thế ít mất thời gian, chi phí hơn để làm sạch nguyên liệu đầu vào.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Bình luận (0)