Chàng trai 8x đam mê tranh Bụt vẽ bình an, tô hạnh phúc

26/10/2021 12:46 GMT+7

Giữa những guồng quay, lo toan của sống cuộc sống, chàng trai 8X đã tìm cho mình niềm vui an nhiên trong cuộc sống thông qua việc vẽ tranh Bụt.

Sau khi trải qua các công việc khác nhau, anh Quang Huy (nghệ danh là Brain Huy) đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã tìm thấy niềm vui, đam mê của mình với việc vẽ tranh Bụt.

Quang Huy (Brain Huy) xem việc vẽ tranh Bụt là niềm vui và tự chữa lành cho chính mình

NVCC

Tìm thấy bình an, hạnh phúc

Ngay từ nhỏ, anh Huy đã gần gũi với tranh Bụt (cách gọi khác của Đức Phật). Huy cho biết, bản thân là người sống hướng nội, ít tâm sự với ai, đặc biệt là gia đình; nhờ đọc sách, nghiên cứu triết lý đạo Bụt mà những suy nghĩ tiêu cực của mình dần tiêu tan. Thế nên, anh muốn chia sẻ những điều tích cực đến cho mọi người thông qua hình ảnh Bụt.

Tác phẩm vẽ Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát

NVCC

Cách đây 9 năm, khi những bức vẽ Bụt đầu tiên của Huy ra đời, anh bắt đầu thấy những dấu hiệu của sự hạnh phúc, bình an đầu tiên - cảm giác mà bản thân chưa từng có trước đó. “Từ đó, tôi không ngừng nghiên cứu, vẽ tranh Bụt ngày càng nhiều, điều đó khiến tôi an vui hơn”, anh chia sẻ.

Huy tâm sự từ khi theo đuổi con đường vẽ tranh Bụt đến thời điểm hiện tại, anh chưa bao giờ nản chí. Anh nói: “Mỗi khi giảm nhuệ khí, việc cầm bút lên vẽ giúp mình lấy lại nhiệt huyết, đam mê”.

Bên cạnh đó, Huy đã thực hành các phương pháp tu học, thực hành chánh niệm, học cách biết ơn từ trước, nên lúc vẽ anh áp dụng những thứ mình từng trải nghiệm và giao thoa với nhau. “Có lẽ, vũ trụ đã ban tặng tôi một món quà đặc biệt - đó là khả năng cảm nhận về dòng tranh này”, Quang Huy bày tỏ

Tranh Bụt là sự giao thoa giữa vẽ truyện tranh với truyền thống. Để tạo nên tác phẩm, Brain Huy kết hợp việc thiền, hành pháp, vẽ và cân bằng tâm hồn. Anh nói: “Trước khi vẽ, mình nghiên cứu tranh, các vị, dựa vào hình ảnh tranh cổ và phát triển đường nét theo cách dễ thương, gần gũi, khi đó sự kết nối được tạo nên dễ dàng, đồng thời khi vẽ kết hợp nghe nhạc thiền”.

Những ngày giãn cách xã hội là thời gian lý tưởng để Huy củng cố năng lượng cho bản thân

NVCC

Những hình ảnh dễ thương, hiền từ là năng lượng cần thiết với người đang đau khổ, không gây ra căng thẳng cho người xem. Mỗi nhân vật trong tranh đều để lại cho anh Huy những cảm xúc mãnh liệt.

Chẳng hạn, bức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm Bồ Tát - chứa đựng rất nhiều ý nghĩa trong những biểu tượng ở tranh. Theo anh Huy, ý nghĩa lớn nhất là luôn nhắc nhở bản thân trước khi làm việc gì cũng cần nhìn sự việc một cách thấu suốt, cân nhắc trước sau, không chỉ nghĩ cho bản thân mà phải nghĩ cho những người khác.

Dòng tranh đặc biệt đòi hỏi người họa sĩ nghiêm túc và thuần khiết

NVCC

Kết nối giá trị tinh thần

Bản thân anh Huy luôn muốn cho ra đời những sản phẩm kết nối giá trị tinh thần với mọi người nhiều hơn. Cuộc sống của con người sẽ ngày càng áp lực căng thẳng bởi những guồng quay, đặc biệt là giới trẻ.

Mỗi ngày, anh Huy đều đặn vẽ tranh nếu khách hàng có cơ duyên đến sẽ chọn mua, cũng có khách muốn mua tranh độc quyền. Phần lớn, khách sẽ đặt tranh vẽ riêng theo yêu cầu của họ, cộng thêm sự tư vấn từ anh.

Là một người trẻ đang làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã mua tranh của anh Huy về trưng bày trên bàn làm việc, Minh Hoàng (31 tuổi, TP.HCM) nhận xét: “Dòng tranh mang lại năng lượng tích cực, nhẹ nhàng, gần gũi với đường nét vẽ công phu và tinh tế, đòi hỏi người họa sĩ không những am hiểu, nghiên cứu tường tận mà còn phải tỉ mỉ từng chi tiết”.

Sắp tới, anh Huy sẽ tập trung vẽ nhiều tranh Bụt, có phòng tranh nho nhỏ để các bạn trẻ có thể đến ngắm, có những phút giây trải lòng an nhiên sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Với việc vẽ tranh Bụt, anh Huy chỉ mong mỗi tác phẩm của mình có thể đem đến sự bình an trong lòng người xem, nhất là các bạn trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.