Yêu thích cây bồ đề
Bản thân là phật tử, từ nhỏ anh Khánh thường theo cha mẹ đi lễ chùa rồi dần dần có niềm yêu thích đặc biệt đối với cây bồ đề. Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền chuyên ngành quản lý xã hội nhưng anh rẽ hướng khởi nghiệp làm tranh nghệ thuật từ lá cây này.
|
Anh Khánh chia sẻ: “Cây bồ đề là một trong những biểu tượng của Phật giáo. Bên cạnh giá trị tâm linh, lá cây bồ đề lại đẹp và bền nên tôi chọn lá này làm tranh về chủ để Phật giáo để nhiều người có được những món quà lưu niệm mang tính tâm linh và nghệ thuật giao thoa”.
|
Thời gian đầu làm tranh, anh Khánh gặp nhiều khó khăn do không chuyên về mỹ thuật. Vì vậy anh phải mày mò nghiên cứu suốt nhiều tháng để lên ý tưởng và sơ chế nguyên liệu từ lá bồ đề. Đến tháng 6.2020, anh chính thức cho ra đời những bức tranh đẹp mắt.
Nhiều công đoạn kỳ công
Theo anh Khánh, làm tranh lá bồ đề phải qua nhiều công đoạn như: chọn lá già đủ độ dày, đẹp, lá đã rụng hoặc sắp rụng; tách chất diệp lục ra khỏi xương lá; dùng bàn chải vệ sinh lá thật sạch; tạo hình.
|
|
|
“Tất cả các khâu đều có độ khó như nhau. Việc xử lý tách chất diệp lục để ra chất liệu xương lá trắng làm tranh phải mất thời gian gần 2 tháng mới đạt tiêu chuẩn. Dòng tranh này hiện có 2 màu chủ đạo là trắng và vàng. Riêng màu vàng được xử lý nhuộm bằng các loại màu thiên nhiên từ rau, củ, quả”, anh Khánh cho biết.
|
Chủ đề tranh lá bồ đề do anh Khánh làm ra chủ yếu gồm: đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thư pháp, hoa bồ đề, cây bồ đề, bướm... “Tùy kích thước, muốn có một bức tranh hoa bồ đề phải sử dụng từ vài chục đến hàng trăm lá để đính và lồng ghép với nhau. Với tranh cây bồ đề thì có sử dụng thêm chất liệu vỏ cây khô để đính ghép làm thân cây, phần lá sẽ sử dụng xương lá bồ đề trắng để làm. Còn tranh hình Phật và thư pháp thì sử dụng lụa để quét hình lên khuôn”, anh Khánh chia sẻ.
|
Để hoàn chỉnh một bức tranh, anh Khánh mất từ vài ngày đến vài tuần (tùy chủ đề, kích thước). Giá mỗi bức dao động vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Nhờ đó anh có thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
|
Sắp tới, anh Khánh tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều màu sắc được chiết xuất từ thiên nhiên như màu hường, đỏ... nhằm đa dạng hơn chủ đề tranh. Đặc biệt, anh chuẩn bị đưa ra thị trường những dòng tranh nghệ thuật sử dụng chất liệu lá của các loại cây đặc trưng ở miền Tây và tập trung chủ đề phong cảnh, chân dung...
Bình luận (0)