"Duyên" với nông nghiệp
Đến thăm khu làm việc của Công ty cổ phần Finom tại phường 8, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng mới cảm nhận được không khí làm việc hăng say của đội ngũ nhân sự, ngay cả đến chàng giám đốc trẻ Nguyễn Đăng Thiên Phi Long (sinh năm 1992) cũng trực tiếp xắn tay áo vào làm từng công việc nhỏ nhất, bởi anh có một tình yêu rất lớn với nông nghiệp.
Phi Long sinh ra trong một gia đình nhà nông, bố mất sớm - khi Long mới được 2 tuổi, chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Cuộc sống hai mẹ con khá vất vả, nhất là khi Long đi học đại học tại TP.HCM, mẹ Long còn phải thuê thêm đất làm nông nghiệp, nuôi gà nuôi lợn để chu cấp cho con ăn học. Sau bao cố gắng, Phi Long cũng chinh phục được tấm bằng cử nhân tài chính – ngân hàng.
Ra trường, Long làm quản lý bán hàng tại một công ty xuất nhập khẩu nông nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn, nhưng Long cảm thấy chưa thực sự đam mê. "Tôi cảm nhận mình không hợp với những con số. Trong một lần biết đến công việc kinh doanh, xuất nhập khẩu vật tư, máy móc nông nghiệp…, tôi bỗng có hứng thú. Bởi tôi cũng sinh ra gắn bó với nông nghiệp nên quyết định theo đuổi con đường mới này", Long cho biết.
Năm 2017, Phi Long tham gia một hội chợ nông nghiệp tại Thái Lan và được tận mắt thấy các giải pháp nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Sau đó anh quen một người bạn Malaysia làm về giải pháp nông nghiệp xanh, và đã sang tận nước bạn để "tầm sư học đạo" một thời gian. "Khi qua đó, tôi đã nghĩ những công nghệ trong nông nghiệp này tương lai cũng sẽ xuất hiện ở Việt Nam", Long chia sẻ.
Năm 2018, Phi Long cùng cộng sự chính thức thành lập Công ty TNHH Finom. Phi Long đã đi rất nhiều tỉnh thành trong nước để khảo sát và nhận ra rằng, không nơi đâu điều kiện thuận lợi như tại chính quê hương Lâm Đồng. "Tại Lâm Đồng, người nông dân có mật độ canh tác cao và kỹ thuật khá tốt, họ cũng sẵn sàng thử nghiệm các loại công nghệ và giải pháp mới, vì vậy tôi chọn quê hương để khởi nghiệp và mở một xưởng xử lý xơ dừa đầu tiên", Long nói.
Bình dân hóa công nghệ nông nghiệp
Có cơ hội được mục sở thị nông dân ở các nước tiên tiến làm nông nghiệp, Phi Long thấy họ rất nhàn vì họ có sẵn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để sản xuất còn nông dân Việt Nam phải tự mày mò hoặc chỉ sản xuất ra nguyên liệu thô.
Những lần đi nước ngoài dự triển lãm quốc tế, Long thấy nông dân sử dụng xơ dừa làm giá thể trồng cây rất hiệu quả, Long nghĩ về người nông dân ở quê thường tự mua xơ dừa về xử lý nhưng không đúng cách khiến xơ dừa tồn đọng chất độc hại cho cây. Vậy là anh đã bỏ ra hơn 1 năm nghiên cứu, phối trộn công thức dinh dưỡng phù hợp cho giai đoạn ươm mầm và nghiên cứu thành công sản phẩm. Sau đó Long nghiên cứu thị trường chưa thấy đơn vị nào sản xuất giá thể xơ dừa và đã làm việc với một đối tác Bến Tre để nghiên cứu ra sản phẩm công nghiệp. Finom còn kết hợp với Trường ĐH Đà Lạt nghiên cứu ra quy trình để có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp và đưa vào canh tác sản xuất.
Bản chất xơ dừa là phế phẩm nông nghiệp nhưng qua xử lý đã trở thành một giá thể rất rẻ và dễ sử dụng, đem lại lợi ích lớn cho nông dân. Giá thể xơ dừa của Finom bán cho nông dân cũng có giá thành thấp hơn so với giá thể nhập khẩu, từ đó giúp giá trị nông sản được nâng lên.
Ngoài cung cấp giá thể xơ dừa, Finom còn cung cấp vật tư nhà màng, nhà lưới, phân bón, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống và các giải pháp sau thu hoạch, phổ biến cho bà con về kỹ thuật công nghệ mới trong nông nghiệp. Hiện tại, doanh số của Finom đạt trên 2,5 tỉ đồng/tháng và cung cấp dịch vụ cho khoảng 1.200 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Trải qua 5 năm nghiên cứu, tìm tòi và chuyển giao công nghệ, Finom đã thực hiện được một số dự án nổi bật như dự án nhà màng nuôi ruồi lính đen cho Entobel, dự án thi công tưới cục bộ cho cây cam ở Đồng Tháp, dự án tưới nhỏ giọt trên cây cà tím Nhật tại Lâm Đồng, dự án tưới nhỏ giọt cho cây măng tây ở Ninh Thuận, dự án tưới rửa lá tự động cây thanh long ở Tiền Giang... cùng với hơn 100 dự án khác trên khắp 35 tỉnh thành cả nước.
Đưa nông nghiệp Việt ra trường quốc tế
Không chỉ sản xuất và kinh doanh hiệu quả vật tư nông nghiệp, Phi Long luôn khát khao đưa nông sản Việt ra thế giới. Bao năm qua, Phi Long luôn đi theo sứ mệnh đưa kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao về để nâng cao giá trị nông sản Việt, tạo ra giá trị cho quê hương. Đồng thời với mối quan hệ rộng, Phi Long đã nhiều lần đem giá thể xơ dừa tới các hội chợ quốc tế và đang có một số đối tác nước ngoài là khách hàng của Finom.
Nớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Phi Long cho biết anh gặp không ít khó khăn, phải làm tất cả công đoạn, khó nhất là đi thuyết phục nông dân chuyển đổi từ trồng rau ở đất sang trồng trên giá thể xơ dừa. Phi Long đã xây dựng xưởng rồi mời từng đoàn nông dân đến tham quan và chứng minh hiệu quả của mô hình mới để người nông dân tin tưởng, ủng hộ. Năm 2021, Finom triển khai mô hình giá thể cho hơn gần 200 hộ nông dân với tổng diện tích hơn 5 héc ta tại Lâm Đồng và một số tỉnh lân cận.
Hiện nay, đối tác của Finom rất đa dạng và đều là những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp như Đalat Hasfarm, Phong Thúy, VinEco…; giá thể xơ dừa cũng đang được xuất khẩu mạnh sang thị trường Malaysia.
Phi Long cho biết, trong tương lai Finom sẽ nghiên cứu sâu vào các giải pháp phục vụ kinh doanh nông sản, hoàn thiện hệ sinh thái giải pháp khép kín từ bảo quản đến đóng gói, sơ chế sau thu hoạch và phân phối. Anh cũng ấp ủ kế hoạch nông nghiệp tuần hoàn để tận dụng các phế phẩm nông nghiệp tương tự xơ dừa, điều này sẽ giúp tối ưu nguồn lợi cũng như giúp bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Phi Long còn sẵn sàng hỗ trợ bạn trẻ khởi nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Long cũng được biết đến là người đam mê công tác xã hội khi anh tham gia điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em mồ côi Tony buổi sáng. Quỹ hiện nay đã hỗ trợ cho gần 60 trẻ em mồ côi trên cả nước. Đồng thời anh còn sáng lập Quỹ học bổng Finom – Chắp cánh tương lai, hỗ trợ 10 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và thường xuyên vận động, trao quà tết cho người nghèo tại địa phương.
Bình luận (0)