Chàng trai Ba Na tay trắng làm giàu

22/09/2015 14:39 GMT+7

Giỏi tính toán làm ăn, từ hai bàn tay trắng, A Thuật - chàng trai người Ba Na ở xã Đăk Tờ Re, H.Kon Rẫy (Kon Tum) trở nên giàu có ở tuổi 35, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Giỏi tính toán làm ăn, từ hai bàn tay trắng, A Thuật - chàng trai người Ba Na ở xã Đăk Tờ Re, H.Kon Rẫy (Kon Tum) trở nên giàu có ở tuổi 35, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

A Thuật (bên phải) hướng dẫn cho thanh niên bản địa học nghề sửa xe máy - Ảnh: Phạm AnhA Thuật (bên phải) hướng dẫn cho thanh niên bản địa học nghề sửa xe máy - Ảnh: Phạm Anh
Với đồng bào dân tộc thiểu số, làm sao đủ ăn, có dư tí vốn lận lưng là điều rất mừng. Còn A Thuật không muốn dừng lại ở đó, mà phải làm giàu. Với quyết tâm đó, anh đã giàu thật. Có được tài sản và cơ ngơi khang trang bây giờ chính là nhờ A Thuật đã đánh đổi mồ hôi và những năm tháng ngược xuôi vất vả mưu sinh, tích lũy kinh nghiệm.
Anh kể, nhà ở xã Chư Hreng, TP.Kon Tum, gia đình cực khổ nên năm 1996 khi tốt nghiệp trung học cơ sở là anh phải nghỉ học. Sau đó, A Thuật kiếm sống với nghề cửu vạn. Về sau, một công ty may ở TP.HCM tuyển dụng, anh làm hồ sơ đăng ký học việc rồi về may tại chi nhánh Kon Tum, có điều lương không đủ sống nên phải từ bỏ. Đang bơ vơ, có người khuyên nên học cái nghề gì ổn định nên A Thuật chọn học nghề sửa xe máy và cũng chính từ đây, chàng trai Ba Na đã thoát nghèo và từng bước làm giàu.
Tấm gương vượt khó
Hiện nay, A Thuật đã có một ngôi nhà khang trang, có xe bán tải và ô tô con, 3 ha cây bời lời 1 năm tuổi và là người chồng, người cha mẫu mực của 2 đứa con kháu khỉnh. Nhờ vậy, A Thuật luôn được những lời biểu dương từ chính quyền địa phương và là tấm gương vượt khó cho các thanh niên học tập.
Với các chàng trai khác, sau 2 năm học nghề thành thợ là háo hức ra mở tiệm làm riêng. Còn với A Thuật thì khác, “2 năm học nghề, ông chủ cho về nhưng mình xin ở lại làm thuê để kiếm tiền mở tiệm".
Từ ngày đó, tháng lương nào lĩnh xong là A Thuật mua đồ nghề sửa xe máy tích lũy ngay. Vì vậy, sau khi thấy đồ sửa xe của mình đầy đủ, chàng trai này xin nghỉ và chọn xã Đăk Tờ Re để khởi nghiệp. Với bản tính cần cù, chịu khó, mày mò, ham học hỏi chỉ sau 2 năm đặt chân đến vùng đất mới, A Thuật đã mua luôn đất để làm tiệm sửa xe máy và lận lưng được một số vốn không nhỏ.
Có người khuyên nên gửi số vốn ấy cho ngân hàng để kiếm lãi hàng tháng nhưng A Thuật nói đó không phải là cách làm giàu. Sau một một thời gian suy nghĩ, A Thuật dùng hết số vốn tích được đem mua dụng cụ nhạc để phục vụ tại các lễ liên hoan, tiệc sinh nhật, cưới hỏi…
Năm 2007, đội nhạc gồm 5 thành viên: 1 organ, 1 trống, 1 MC, 1 bass, 1 guitar của A Thuật chính thức ra mắt, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động trẻ là người dân bản địa ở đây.
Cứ tích được vốn A Thuật lại đầu tư, từ bộ nhạc cụ bình thường trị giá mấy mươi triệu đồng, nay đổi thành bộ nhạc xịn 150 triệu đồng. Làm ăn được, A Thuật xoay qua mua 3 ha đất đầu tư trồng cây bời lời… Với sự tính toán kỹ lưỡng trong từng bước đi và định hướng làm giàu bền vững, A Thuật có tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo A Thuật, chỉ với sửa xe máy, hàng tháng anh đã dư trên 10 triệu đồng, còn thu từ các dịch vụ được hàng trăm triệu đồng/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.