Chàng trai tên Phan Minh Tiến, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cần Giờ. Năm 2014, Minh Tiến tốt nghiệp Khoa Công nghệ hóa, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ra trường, đi làm công ăn lương, Tiến vẫn trăn trở với mảnh đất quê hương đặc biệt là những thứ gắn liền với tuổi thơ như cơm dừa nước. Đây là món ăn rất ngon nhưng làm sao để nó trở thành hàng hóa, có thể giúp người dân có thêm thu nhập... là những câu hỏi đó thôi thúc chàng kỹ sư trẻ.
Đường từ dừa nước |
NVCC |
Mật cô đặc |
NVCC |
Thông mạch cho mật ngọt
Vậy là Tiến bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về cây dừa nước. Trong khi người Việt chỉ dùng lá dừa nước lợp nhà, dựng vách còn cơm dừa nước ăn tươi trực tiếp hoặc nấu chè thì ở nhiều quốc gia như Phillipines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ mật dừa nước được chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau đặc biệt là thức uống và thức uống lên men. Cơm dừa nước để làm mứt, chế biến đông lạnh, hoa dừa nước làm trà… mang lại giá trị kinh tế cao. Các nghiên cứu và kiểm nghiệm cho thấy, tinh chất mật dừa nước có chứa nhiều axit amin thiết yếu, vitamin, khoáng chất và các hợp chất chống oxy hóa tự nhiên. Phù hợp cho người thường xuyên vận động, bồi dưỡng cơ thể khi mệt mỏi. Sản phẩm cô đặc là chất làm ngọt tự nhiên thay thế cho đường tinh luyện, mật ong và các chất làm ngọt nhân tạo khác, phù hợp với người bệnh tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng.
Anh Phan Minh Tiến |
NVCC |
Thích thú với những thông tin mới, Tiến ra ruộng dừa nước sau nhà thử ngay. Thế nhưng tuyệt nhiên không có một giọt nước nào rỉ ra như các tài liệu đề cập. Không nản chí, anh dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và thử nghiệm những cách mới để tìm cách “thông mạch” cho mật ngọt. Cuối cùng, Tiến cũng đã thành công. Mật dừa được khai thác trên các cây dừa nước được 5 năm tuổi trở lên và đã ra hoa lần thứ hai. Cây từ 9 - 12 năm tuổi cho năng suất mật cao nhất. Để đảm bảo mật chảy đều, người ta phải cắt một khoanh dày khoảng 1 cm trên cuống rồi vỗ vào cuống bằng gậy suốt chiều dài của nó. Theo kinh nghiệm khai thác ở các nước, trước khi thu mật, người ta uốn cong cuống 12 lần, vỗ nhẹ 64 lần và đá vào gốc cuống 4 lần. Mỗi ngày thu hoạch mật một lần và mỗi cây chỉ thu mật từ một cuốn để đảm bảo năng suất. Lượng dịch mật thu được trung bình khoảng 0,7 lít/cây/ngày tùy vào khu vực trồng dừa nước.
“Dừa nước Cần Giờ cho mật lên đến 1 lít/ngày và có thể thu hoạch liên tiếp trong 30 ngày. Cứ 10 lít mật nguyên chất có thể chế biến thành 1 lít mật cô đặc hoặc 1 ký đường. Mỗi năm, một hecta có thể thu hoạch lượng thành phẩm tương đương 20 tấn đường”, Tiến cho biết.
Mật dừa nước đã ra thị trường
Hiện tại, anh Tiến có vùng nguyên liệu rộng 3 ha, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quản lý thực phẩm như: ISO 22.000:2018 và HACCP, Hàng VNCLC chuẩn hội nhập, Giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2019, do Trung ương Đoàn phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức… Đến thời điểm này anh Tiến cho ra đời 3 sản phẩm là: "Mật Dừa nước ông Sáu" là mật dừa nước tinh chất dùng để uống như nước giải khát, “Mật dừa nước cô đặc” có thể dùng như đường hoặc mật ong. Cách nay khoảng 3 tháng, anh Tiến cho ra đời thêm một sản phẩm mới là “Đường ăn kiêng mật dừa nước ông Sáu”, dùng như các sản phẩm đường thông thường. Anh cũng tạo ra công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Thu hoạch mật dừa nước |
NVCC |
Mỗi ngày có thể thu được một lít mật từ cuống dừa nước |
NVCC |
Sản phẩm dưới thương hiệu “Dừa nước ông Sáu” hay Vietnipa đang được người tiêu dùng đón nhận với sự thích thú về sự gần gũi mà mới lạ. Nhiều khách hàng nhận xét, nó không ngọt gắt như các loại đường thông thường mà hậu vị hơi mặn tự nhiên rất dễ chịu khi pha nước uống.
“Mô hình khai thác và chế biến sản phẩm từ mật dừa nước sẽ được mở rộng không chỉ tại Cần Giờ, mà còn được triển khai rộng khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mở ra một hướng phát triển nông nghiệp vô cùng tiềm năng và bền vững cho người nông dân Nam bộ”, anh Tiến kỳ vọng.
Các sản phẩm từ cây dừa nước, ngoài yếu tố kinh tế, nếu được khai thác tốt nó còn góp phần bảo vệ và phát triển các khu rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc chống xói lở bờ biển và xâm nhập mặn cũng như cải thiện chất lượng không khí. Dừa nước là một trong những loại cây đặc trưng của vùng đất ngập mặn ven biển Việt Nam và Cần Giờ nói riêng bên cạnh cây mắm, cây đước. Nó đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Dừa nước trước đây được sử dụng khá phổ biến trong việc xây cất nhà cửa nhưng nay rất hạn chế do bị thay thế bằng các vật liệu mới và bê tông. Ngày nay người ta chủ yếu chỉ khai thác trái dừa nước, giá bán khoảng 20.000 đồng/quầy (buồng) tại ruộng, người bán lẻ tách lấy thịt cơm dừa nước cân ký với giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Bình luận (0)