Chàng trai đam mê nghiên cứu khoa học trên nông sản

Tấn Đạt
Tấn Đạt
14/08/2023 08:00 GMT+7

Võ Trung Tính (23 tuổi), đang học thạc sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm tại Trường ĐH Cần Thơ, có niềm đam mê nghiên cứu khoa học trên nông sản. Đến nay, Tính đã tạo ra 2 sản phẩm là bột dưa lưới bằng kỹ thuật sấy lưới bọt, trà thân và râu bắp tím nữ hoàng.

Nâng cao giá trị nông sản

Năm 2018, Tính thi vào ngành công nghệ thực phẩm ở Trường ĐH Tiền Giang, vì anh chàng rất thích nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm hữu ích và tốt cho sức khỏe, đặc biệt là từ những phụ phẩm của nông sản để góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân địa phương.

 Chàng trai đam mê nghiên cứu khoa học trên nông sản - Ảnh 1.

Võ Trung Tính có niềm đam mê nghiên cứu khoa học trên nông sản

NVCC

Năm 2021, Tính bắt tay vào nghiên cứu chế tạo bột dưa lưới bằng kỹ thuật sấy lưới bọt. Tính cho hay dưa lưới mặc dù có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng thời gian bảo quản ngắn do chứa khoảng 88% nước. Bên cạnh đó, quá trình thu mua, dưa lưới được phân loại khá gắt gao; để đạt được loại tốt nhất, nông sản này cần đảm bảo nhiều yêu cầu, như: trọng lượng, màu sắc, độ ngọt và hình dáng bên ngoài.

"Dưa lưới không đạt chuẩn sẽ được đưa xuống loại 2, loại 3 và đương nhiên giá sẽ thấp. Từ đó, mình suy nghĩ đến giải pháp sản xuất bột dưa lưới để đa dạng hóa sản phẩm cũng như nâng cao giá trị dưa lưới", Tính nói.

Tính đã mua nguyên liệu về nghiên cứu, tiến hành sấy bọt dưa lưới qua những bước như: xử lý sơ bộ quả dưa lưới (gọt vỏ, chần, xay, phối chế với nước và chất tạo bọt); rồi tiến hành sấy, sau đó mới nghiền mịn thành bột dưa lưới; cuối cùng là bảo quản và phân tích các chỉ tiêu về sản phẩm.

Lý giải chọn cách làm trên, Tính nói: "Sấy lưới bọt là kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm được chi phí và hiệu suất thu hồi bột dưa lưới cao gần 99%. Kết quả sản phẩm là chất bột có màu vàng rất đẹp và mịn, vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng, tiện dụng trong việc vận chuyển, phân phối và bảo quản".

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Tiền Giang, đánh giá cao bột dưa lưới mà Tính làm ra. "Thời gian bảo quản của bột dưa lưới bằng kỹ thuật sấy lưới bọt lên đến 2 năm. Bên cạnh đó, sản phẩm không những cung cấp nhiều chất xơ, a xít folic, vitamin C, vitamin A mà còn cung cấp các hoạt chất sinh học có tác dụng giảm huyết áp cao, hỗ trợ tiêu hóa, chống táo bón, giúp nhuận trường. Nếu đưa ra được thị trường thì nghiên cứu này giúp giải quyết tốt nguồn nguyên liệu thứ phẩm, đa dạng sản phẩm từ dưa lưới", ông Hùng nói.

Để phụ phẩm không bị vứt bỏ hoang phí

Cuối năm 2021, Tính tiếp tục nghiên cứu và làm ra sản phẩm trà từ thân và râu bắp tím nữ hoàng.

 Chàng trai đam mê nghiên cứu khoa học trên nông sản - Ảnh 2.

Sản phẩm trà túi lọc từ thân, râu bắp tím nữ hoàng; bột dưa lưới thành phẩm

Tính kể: "Ở quê mình rất nhiều hộ dân trồng bắp tím nữ hoàng để kinh doanh. Nhưng khi thu hoạch trái xong, rất nhiều thân và râu bắp bị họ vứt ở ruộng. Mình thấy phụ phẩm này có màu tím rất đẹp và chưa được nghiên cứu, nên nảy ra ý tưởng làm trà từ thân và râu bắp tím nữ hoàng. Như thế sẽ vừa tận dụng nguồn nguyên liệu bị bỏ đi, vừa có sản phẩm tốt cho sức khỏe và nâng cao kinh tế cho người dân".

Theo Tính, để làm ra trà từ thân và bắp tím nữ hoàng phải trải qua các bước, như: xử lý thân và râu bắp, cắt nhỏ, sấy, phối trộn, nghiền và đóng túi. "Bước khó nhất của đề tài này là công đoạn phối trộn để tạo ra sản phẩm có hoạt tính sinh học cao và hương vị tốt để được nhiều người ưa chuộng cũng như nghiên cứu quy trình sản xuất tiết kiệm chi phí nhất có thể", Tính nói và chia sẻ thêm: "Trong quá trình nghiên cứu mình phải lân la đến nhiều nơi để tìm ra nguồn nguyên liệu sạch và chất lượng. Ban đầu sản phẩm có vị ngọt nhiều, mùi thơm nồng, rất khó uống. Sau đó, mình phải nghiên cứu lại tỷ lệ phối trộn giữa thân và râu bắp để sản phẩm có vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ đặc trưng cho mọi người dễ dùng".

 Chàng trai đam mê nghiên cứu khoa học trên nông sản - Ảnh 3.

Tính mong muốn nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm hữu ích và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng

NVCC

Bà Phạm Đỗ Trang Minh, Phó trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Tiền Giang, chia sẻ: "Dù dự án nghiên cứu trà từ thân và râu bắp tím nữ hoàng được Tính làm chỉ trong vòng 3 tháng nhưng khi ra thành phẩm thì chất lượng ngoài mong đợi. Sản phẩm có hàm lượng các hợp chất sinh học polyphenol và anthocyanin giúp người dùng thanh lọc cơ thể, phòng các bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm thận, phù nề, hỗ trợ tiêu hóa, chống lão hóa…".

Tuy nhiên, để tạo ra được sản phẩm trà chất lượng, bà Minh cho rằng phải chọn được nguyên liệu tốt, sạch. Hiện tại, nhà trường đang kết nối những sinh viên của bộ môn khoa học cây trồng để tạo ra chuỗi sản phẩm cung cấp đầu vào cho nghiên cứu, từ đó Tính sẽ an tâm về nguyên liệu.

Trong thời gian tới, Tính dự tính kêu gọi nhà đầu tư, tiến hành sản xuất nhiều sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu khoa học của mình để bán ra thị trường…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.