Như Thanh Niên đã thông tin, ông Đặng Thái Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, cho biết các ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số đang tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương này. Không chỉ có sản phẩm chè, na La Hiên mà rất nhiều loại nông sản khác được tiêu thụ mạnh qua các hình thức bán hàng online.
Qua mạng xã hội, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, HTX đã chủ động xây dựng mạng lưới khách hàng rộng khắp cả nước, thông qua dịch vụ vận chuyển để bán hàng trực tiếp đến khách hàng. Phương thức mua bán này giúp nông dân có thể thu được tiền ngay sau khi chuyển hàng, không còn lo bị nợ đọng, quỵt nợ… Người tiêu dùng cũng mua được nông sản với mức giá hợp lý, biết rõ nguồn gốc của sản phẩm.
Ông Đặng Thái Bình chia sẻ thêm, để hỗ trợ nông dân, HTX chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ nông dân kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu, tiến tới tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cũng ứng dụng chuyển đổi số để theo dõi, quản lý các nhãn hiệu nông sản, sản phẩm tập thể. "Cụ thể, với nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", hiện nay chúng tôi thống kê có 186 hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng và thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về các đơn vị này lên ứng dụng Công dân Thái Nguyên (C-Thainguyen)", ông Bình nói.
Theo Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31.12.2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, địa phương này đã xây dựng sàn thương mại điện tử www.thainguyentrade.vn, đến nay có 2.600 sản phẩm được cập nhật, giới thiệu.
Bất ngờ và thú vị
"Đọc bài viết Nông dân Thái Nguyên ngồi nhà "chốt đơn" nông sản toàn quốc trên Thanh Niên mà thấy bất ngờ và thú vị quá. Ai còn dám nói nông dân là "hai lúa", suốt ngày chỉ biết bám vào đồng ruộng, con trâu, cái cày? Người nông dân thời bây giờ đã thay đổi nhiều trong việc sản xuất ra sản phẩm, và đặc biệt là biết dùng công nghệ để đưa sản phẩm đến mọi nơi, mọi người. Rất cần những người nông dân như thế. Tuyệt vời!", bạn đọc (BĐ) Nghê Thường chia sẻ.
Cùng quan điểm, BĐ Duong Nguyen nói thêm: "Chuyển đổi số là đây chứ đâu! Ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm đến khắp mọi nơi, chủ động tìm đầu ra, mở rộng giao thương… người nông dân Thái Nguyên làm nhiều người mến phục". BĐ Hieu Vo bày tỏ thán phục: "Nắm bắt xu hướng, áp dụng công nghệ, giải tỏa áp lực đầu ra cho nông sản. Cách làm của Thái Nguyên quá hay!".
"Ngày nay chuyển đổi số giúp ngồi đâu cũng có thể bán được hàng, không nhất thiết phải ra chợ!", BĐ Bon Min viết.
Để người nông dân thêm tự tin
Nhiều BĐ cho rằng cách làm hay của Thái Nguyên nên được lan tỏa để có thêm nhiều nông dân tham gia và đưa đặc sản của vùng mình đến khắp thế giới. BĐ Lê Ngọc cho biết: "Thời đại 4.0 mà, phải đổi mới chứ!".
BĐ Nguyễn Chí Hải đề nghị: "Mô hình hay này của Thái Nguyên cần được lan tỏa. Cách mua bán qua mạng giúp người nông dân có thể thu được tiền ngay sau khi chuyển hàng, không còn lo bị nợ đọng, quỵt nợ… Người tiêu dùng cũng mua được nông sản với mức giá hợp lý, và quan trọng hơn, là biết rõ nguồn gốc của sản phẩm. Rất cần lan tỏa".
BĐ Nguyen Van Hung chia sẻ: "Tôi thấy cách làm ở Thái Nguyên đáng để học tập. Tôi tâm đắc nhất là việc Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở TT-TT tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ nông dân kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu, tiến tới tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử… Phải nói, Hội Nông dân mà làm được như thế là quá giỏi! Rất mong những hoạt động này được mở rộng và đi vào chiều sâu hơn nữa, như là phổ biến các kỹ năng về bán hàng online, cách tránh lừa đảo khi bán hàng online, những kỹ năng về hậu mãi, chăm sóc khách hàng… Càng được trang bị nhiều kiến thức, người nông dân càng thêm tự tin trên các sàn thương mại điện tử và chắc chắn sẽ càng thành công".
"Không chỉ là thị trường trong nước, mong các tỉnh thành khác cũng tăng cường đầu tư, để những người nông dân VN thêm tự tin mang đặc sản của mình đến khắp nơi trên thế giới", BĐ Thien Long gửi gắm.
* Bán hàng qua nền tảng số giúp tiết kiệm chi phí trung gian, đưa sản phẩm nhanh chóng tới tay người tiêu dùng.
Tien
* Bán hàng online là xu thế của thế giới, người nông dân phải tham gia vào thì mới tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Cương Nguyễn
* Phải có sản phẩm đặc trưng, đặc sắc mới dễ bán trên mạng.
Biển Ngọc
Bình luận (0)