Vì sao giá trị hóa đơn của sàn thương mại điện tử trung bình chỉ 1.000 đồng?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/07/2023 12:25 GMT+7

Tổng Cục thuế mới lên tiếng về những thắc mắc của dư luận xung quanh con số chỉ 1.000 đồng/hóa đơn của các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Sàn TMĐT cung cấp thông tin chưa chính xác

Trước đó, Tổng cục Thuế thông tin, số liệu tổng hợp giao dịch của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong quý 1/2023 tăng vọt, cao hơn gấp 180 lần so với quý trước và giá trị bình quân giao dịch 1.000 đồng. Trong quý 1/2023, có 259 sàn TMĐT cung cấp thông tin (giảm 51 sàn so với quý 4/2022), Tổng cục Thuế có danh sách của 64.327 cá nhân và 22.840 tổ chức kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, giảm tương ứng 28,36% và 59,6%. Điều bất thường trong báo cáo quý 1 là số lượt giao dịch tăng vọt lên 9 tỉ lượt với tổng giao dịch là 11.478 tỉ đồng. Con số giao dịch cao hơn 180 lần so với kỳ trước đó và bình quân mỗi giao dịch có giá trị khoảng 1.000 đồng.

Một sàn thương mại điện tử khai 'bất thường' giao dịch lên 9 tỉ lượt - Ảnh 1.

Bất thường giá trị bình quân giao dịch trên sàn TMĐT 1.000 đồng

NGỌC THẠCH

Con số này gây sốc vì thực tế, kiếm được một sản phẩm giá 1.000 đồng ở thời điểm này hơi bị hiếm. Vì thế, nghi án khai gian giao dịch, trốn thuế đã được đặt ra. 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) lí giải: "Sàn TMĐT kê khai chưa chính xác dẫn đến giao dịch lên 9 tỉ lượt". Qua rà soát, Tổng cục Thuế phát hiện sự bất thường này xuất phát từ việc kê khai của một sàn TMĐT. Cụ thể, Công ty Cổ phần Cooky có số lượt giao dịch trong quý 4/2022 là 40.247 lượt trong khi quý 1/2023 tăng vọt lên hơn 9,034 tỉ lượt, chênh lệch lớn bất thường, gấp 225 lần số lượt giao dịch trong quý 4/2022.

Lý giải giá trị giao dịch bình quân chỉ ở mức 1.000 đồng/giao dịch thay vì 304.000 đồng/giao dịch của quý trước đó, theo Nghị định 91/2022, chỉ các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tiếp mới phải cung cấp thông tin doanh thu, còn các sàn không có chức năng đặt hàng trực tiếp thì không phải cung cấp doanh thu. Do đó, khi sử dụng giá trị giao dịch trên sàn để chia cho tổng số lượt giao dịch của tất cả các sàn là hoàn toàn không phù hợp.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, do có sàn TMĐT cung cấp thông tin chưa chính xác nên dẫn đến dữ liệu thông tin tăng vọt. Cơ quan thuế đã yêu cầu sàn TMĐT cung cấp thông tin lại và thực hiện đúng cho kỳ kê khai quý sau. Sau khi trừ đi số liệu kê khai không chính xác của Công ty Cooky, số lượt giao dịch qua các sàn thương mại điện tử quý 1/2023 chỉ còn khoảng 47 triệu lượt.

Thất thu thuế TMĐT còn cao

Ngày 15.12.2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Đến nay, cổng TTĐT đã ghi nhận 333 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…. Kể từ khi triển khai Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) dành cho Nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), đến nay đã có 57 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT. Trong đó có các NCCNN lớn trên thế giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số thuế các NCCNN đã khai, nộp ngân sách Nhà nước là 3.944 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng quy định các sàn TMĐT thông báo cho cơ quan thuế các thông tin nhưng đây chỉ mới là dữ liệu ban đầu. Còn việc thu được và thu đủ hay không là câu chuyện khác. Trong trường hợp sàn cung cấp thông tin sai, dữ liệu của cơ quan thuế cũng sẽ sai và khó có thể thu thuế được.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế TP.HCM truy thu và phạt 85 tỉ đồng các hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động bán hàng qua mạng do Tổng cục Thuế cung cấp và qua công tác rà soát trên địa bàn quản lý của các chi cục thuế. Đối với tổ chức, cá nhân cư trú trong nước có phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số), Cục Thuế TP cũng đã tiến hành truy thu thuế, phạt hơn 22,4 tỉ đồng. Đây là kết quả truy thu nguồn thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, Netflix… theo danh sách các ngân hàng thương mại cung cấp. Cũng trong 6 tháng, qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế trên địa bàn, Cục Thuế TP đã truy thu và phạt 42,33 tỉ đồng đối với 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, số thu thuế TMĐT những năm gần đây có tăng lên so với trước nhưng thất thu vẫn còn khá cao. Quy mô của thị trường TMĐT mỗi năm tính hàng chục tỉ USD, như năm 2022 lên 16,4 tỉ USD (tương ứng 393.000 tỉ đồng) nhưng số thu vài chục đến vài ngàn tỉ đồng là chưa tương xứng với quy mô của thị trường này. TMĐT ngày càng phát triển cao, các giao dịch cũng chuyển dịch lên các sàn TMĐT, các nền mạng xã hội như Facebook, Zalo… 

Ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng để đọc được các dữ liệu, cơ quan thuế phải có phần mềm để lọc ra dữ liệu mà sàn TMĐT, ngân hàng thương mại cung cấp. Hiện nay, việc thực hiện này vẫn còn khá thủ công, do đó số thu chưa được cao. Đặc biệt, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên Facebook, cơ quan thuế khó có thể nắm hết được nguồn thu. Chính vì vậy, để chống thất thu trong lĩnh vực TMĐT, cơ quan thuế ngoài việc đầu tư công nghệ, cũng nên có chính sách chiêu mộ nhân tài trong lĩnh vực này để việc quản lý được triển khai nhanh và hiệu quả, tránh bất bình đẳng trong thu thuế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.