Năm năm trước, anh Luật quyết định từ bỏ công việc đang ổn định trong ngành du lịch để thực hiện kế hoạch đạp xe xuyên Việt. Vì muốn hành trình mang lại ý nghĩa cho cộng đồng, anh quyết định vừa đạp xe vừa dọn rác, làm sạch đẹp môi trường.
Gom rác không mệt mỏi
Anh Luật kể trên hành trình đạp xe từ TP.HCM đến Hà Nội, thấy tại địa phương nào có những bãi rác vừa sức thì anh dừng lại dọn sạch. Để lưu giữ kỷ niệm cũng như lan tỏa cho cộng đồng cùng làm, anh đã lập fanpage "Hành Trình Gom". Chia sẻ thêm về hành trình, anh nói mình không hề đơn độc và rất biết ơn vì luôn có sự ủng hộ của mọi người. Hành trình này, Luật không đi một mạch mà kéo dài thành nhiều chặng. Năm 2020, khi ở quê nhà ngập lụt, anh tạm dừng để về Quảng Trị hỗ trợ người dân rồi quay lại TP.HCM. Sau đó anh đã đi hết các tỉnh miền Bắc và dự định tháng 10 này sẽ đi gom rác tiếp ở 13 tỉnh miền Tây để hoàn thành giấc mơ.
Đã từng có thời gian mất phương hướng trong cuộc sống, chị Bùi Thị Mỹ Linh (kế toán, 40 tuổi, Phú Yên) đã được anh Luật truyền cảm hứng, hướng tới cộng đồng. "Luật là người khuyên tôi mua chiếc xe đạp đầu tiên, truyền cảm hứng khiến tôi quyết định tham gia đạp xe, cùng dọn rác, làm thiện nguyện và nhiều dự án khác. Hai năm trở lại đây, tôi đi xe đạp đi làm, ngoài ra còn chạy bộ, trồng cây, tôi thấy cuộc sống tôi thay đổi rất nhiều", chị Linh kể.
Tại TP.HCM, cũng với tiêu chí làm sạch môi trường, anh Luật cho ra đời dự án "Saigon Clean-Up" từ năm 2020, cùng những người bạn đi dọn sạch rác, phát quang bụi rậm ở các tuyến đường tại TP.HCM. "Có nhiều con đường rất đẹp nhưng lại nhiều rác và cây cối rậm rạp. Chúng tôi dọn sạch và để những tấm bảng chỉ dẫn mọi người để rác đúng nơi", anh kể. Mỗi tháng, nhóm anh đến gom rác lại một lần. "Rất may mắn là sau 2 năm quay lại thì những nơi tôi từng dọn rác trước đây không còn rác chất đống nữa. Có người nói việc tôi làm là vô nghĩa nhưng tôi rất biết ơn khi rác không quay trở lại", Luật hào hứng cho hay và bày tỏ anh càng vui hơn khi đồng hành với mình dọn rác còn có nhiều nhóm khác như Khát vọng xanh, Sài Gòn xanh, Bình Dương xanh...
trồng rừng nuôi giấc mơ về sự bền vững
Anh Nguyễn Tất Thắng (25 tuổi, Q.3) từng tham gia dự án "Saigon Clean-Up" dọn rác trên đường phố, chia sẻ: "Tôi nghĩ mình sẽ không đủ can đảm để làm như Luật. Luật cho tôi động lực để tham gia nhiều dự án cộng đồng và góp chút sức bảo vệ môi trường. Có thể chúng tôi dọn xong sẽ có người xả rác lại, nhưng ít nhất chúng tôi đã hành động".
Với anh N.N.T (28 tuổi), từng tham gia dọn một bãi rác ở Vũng Tàu, thì: "Là một người qua đường thấy Luật gom rác, tôi lại gom cùng. Từ đấy tôi thấy nơi nào nhiều rác thì tự nhiên muốn dọn. Cuối tuần rảnh thì tôi còn cùng gia đình làm nữa".
Với ước mơ lan tỏa nhiều hơn thế, hiện Luật tiếp tục dự án hành động bảo vệ môi trường mang tên "Gom cây góp rừng", thu hút hơn 700 người tham gia, số cây được góp lên tới 1.000 cây. Mọi người góp cây bằng 2 cách: đăng ký đạp xe trên nền tảng của Vietrace365 rồi mua các vật phẩm và số tiền được trích ra để trồng cây, hoặc bằng hiện kim thông qua quỹ thiện nguyện minh bạch của dự án.
Chia sẻ với Thanh Niên, Luật cho biết đối với anh, sự bền vững của môi trường bắt nguồn từ chính bên trong mỗi người. Muốn người khác làm theo, bản thân mình phải làm trước, phải "hô hoán" lên để mọi người biết và làm cùng. Theo anh, việc giáo dục và nâng cao chất lượng sống của người dân rất quan trọng. "Khi xuống địa phương để khảo sát, tôi được biết người dân ở đây hầu như không có cơ hội tiếp cận với kiến thức về môi trường. Vậy nên tôi nghĩ mình phải mang đến cho họ kiến thức trước. Khi người ta hiểu rõ, người ta mới có thể bảo vệ nó một cách tốt nhất", anh cho biết.
Đó cũng là lý do mà trên suốt hành trình vừa qua, ngoài gom rác, gom cây, anh còn gom sách, lấp đầy thư viện, cải thiện điều kiện học tập cho các bạn nhỏ ở vùng khó khăn. Ở hiện tại hay tương lai, anh Luật đều hướng đến một mục đích duy nhất là sự bền vững của trái đất.
Bình luận (0)