Chàng trai mù người Mông và khát vọng ở vùng biên

Đào Thọ
Nghệ An
30/08/2024 09:00 GMT+7

Ở bản Huồi Pốc (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), ai cũng cảm phục chàng trai mù Già Bá Lỳ. Anh thực sự là tấm gương về tinh thần hiếu học, vượt lên hoàn cảnh để thoát nghèo và đã mang đến 'ánh sáng niềm tin' cho cộng đồng người Mông nơi bản vùng biên còn nhiều khó khăn.


Một sáng tháng 7, chúng tôi gặp Già Bá Lỳ (38 tuổi) ở bản Huồi Pốc khi Lỳ đang chuẩn bị nhờ đứa em họ chở xuống "cơ quan" ở thị trấn Mường Xén. Hiện Già Bá Lỳ là Phó chủ tịch Hội Người mù của huyện, công việc mà theo Lỳ nói là "cố gắng mang lại ánh sáng trong lòng cho những hoàn cảnh bị thiệt thòi" giống như anh. Phải năn nỉ mãi Lỳ mới chịu nán lại tiếp chuyện với chúng tôi.

Chàng trai mù người Mông và khát vọng ở vùng biên- Ảnh 1.

Một góc bản Huồi Pốc (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)

Ảnh: TGCC

Còn có đôi tai để nghe

Già Bá Lỳ kể, bố mẹ anh sinh được 7 người con, Lỳ là con thứ 3 trong gia đình. Thuở nhỏ, anh cũng như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa - vui chơi, chạy nhảy khắp bản làng. Thế rồi, năm lên 2, Lỳ bị chứng đau mắt đỏ, nhà cách xa trạm xá xã cả ngày đường nên theo thói quen ông Già Chừ Phổng, bố Lỳ đã lấy những lá cây thuốc quen dùng của người Mông để đắp vào mắt con. Từ đó, Già Bá Lỳ vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đau khổ đến tột cùng, Lỳ chỉ còn cảm nhận được thế giới tươi đẹp qua đôi tai của mình.

"Những năm sau đó, hằng ngày nghe các bạn trong bản gọi nhau đến trường em chỉ biết ngồi khóc. Mỗi lần các bạn tan trường về, em đòi người nhà đưa đến để nghe các bạn kể về những buổi học trên lớp. Khát vọng được đi học từ đó cứ lớn dần", Già Bá Lỳ chia sẻ.

Chàng trai mù người Mông và khát vọng ở vùng biên- Ảnh 2.

Gia đình Già Bá Lỳ trong ngôi nhà khang trang

Ảnh: TGCC

Không thể ngồi yên, cậu thiếu niên nghèo lấy gậy dò đường đánh bạo đến lớp xin với thầy Cự Bá Trỉa – giáo viên của Trường THCS Nậm Cắn lúc bấy giờ để được vào học. Nhìn đôi mắt và thân hình gầy gò của cậu học sinh, thầy Trỉa ứa nước mắt và đề xuất với ban giám hiệu nhà trường cho Lỳ được vào lớp ngồi và chỉ để… nghe thầy dạy.

Tuy đôi mắt không thấy gì nhưng Già Bá Lỳ rất chăm chỉ, cậu không bỏ sót một buổi học nào, thậm chí hằng ngày còn đến lớp sớm hơn các bạn trong lớp. Lỳ bảo rằng, dù chỉ ngồi nghe thôi nhưng cũng rất thích. "Đến lớp em không biết viết, không biết đọc nhưng còn có đôi tai để nghe. Những thế giới mới được mở ra trong đầu em qua lời dạy của thầy khiến em càng thấy muốn được sống, muốn được làm người có ích hơn", Già Bá Lỳ bộc bạch.

Năm Lỳ theo lên lớp 7, trường học chuyển về một địa điểm cách xa bản Huồi Pốc hơn 10 km. Trong suy nghĩ của gia đình, thầy cô, bạn bè đều cho rằng lần này Già Bá Lỳ sẽ phải từ bỏ ước mơ của mình. Nhưng không, cậu học sinh mù ấy lại một lần nữa đến thẳng phòng thầy hiệu trưởng để xin được tiếp tục đến lớp. Khâm phục trước nghị lực của Lỳ, thầy giáo Trần Đăng Hùng – hiệu trưởng đành để Lỳ theo học. Già Bá Lỳ bảo, ngày ấy chưa có đường từ Huồi Pốc ra đến trường nên cứ sáng chủ nhật, Lỳ xin bố mẹ ít gạo vác lên vai rồi nhờ cậu em trai dẫn đường, mò mẫm cả buổi trời mới ra đến trường. Cứ thế cả một năm trời Lỳ không quản nắng mưa, luồn rừng lội suối để theo đuổi ước mơ.

Thương cậu học trò người Mông giàu nghị lực, năm Già Bá Lỳ lên lớp 8, thầy giáo Trần Đăng Hùng đã liên hệ với một cơ sở dạy chữ nổi cho người mù và gửi Lỳ đến học. Với mấy tháng ngắn ngủi nhưng Lỳ tiến bộ rất nhanh, đọc thông, viết thạo. Trở về trường, Lỳ lại được tham gia các khóa học khác ở Vinh, Hà Nội như lớp dạy tẩm quất cho người mù, lớp sử dụng máy vi tính…

Năm 2011, Lỳ theo chúng bạn sang bản Sa Lầy (xã Mường Lống) trong ngày hội ném pao đầu xuân. Tại đây, anh gặp cô gái Lầu Y Tồng. Thương và cảm mến chàng trai mù giàu ý chí, Lầu Y Tồng đã theo anh về Huồi Pốc nên duyên vợ chồng. Đến nay họ đã có 2 con gái chăm ngoan, học giỏi và biết giúp đỡ bố mẹ trong việc nhà. Một gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười trên đỉnh Huồi Pốc này thực sự là niềm ao ước của bao người dân nghèo nơi đây.

Tấm gương sáng trong phát triển kinh tế

Không chỉ được biết đến là người ham học hỏi, tuy không nhìn thấy nhưng Già Bá Lỳ là tấm gương sáng để người dân bản Huồi Pốc noi theo trong phát triển kinh tế. Anh là một trong những điển hình của phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của mảnh đất nơi địa đầu biên giới này. Năm 2016, khi ấy Huồi Pốc còn nghèo lắm, người dân chăn nuôi trâu, bò chủ yếu để tự cung, tự cấp là chính. "Trâu bò nhà nào cũng có nhưng bảo người dân bán đi để đầu tư thì họ đều bảo để dành làm cúng. Mỗi lễ cúng vía trong nhà đều tiêu tốn hàng chục triệu đồng, trong khi đó hơn 70% các hộ đều là hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, ăn bữa nay lo bữa mai. Tôi lại nghĩ khác, muốn làm giàu phải dựa vào lợi thế của núi rừng, đưa chăn nuôi trở thành hàng hóa may ra mới thành công được", Già Bá Lỳ ngậm ngùi.

Chàng trai mù người Mông và khát vọng ở vùng biên- Ảnh 3.

Đàn bò được Già Bá Lỳ chăm sóc chu đáo bằng phương thức nuôi nhốt

Ảnh: TGCC

Nghĩ là làm, được sự hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền, năm 2017, anh vay vốn mua 7 con bò để về chăm theo hình thức nuôi nhốt kết hợp với khoanh vùng thả rông. Nhờ có vùng chăn nuôi rộng, nguồn thức ăn dồi dào và khí hậu thuận lợi, năm 2020, đàn bò của Lỳ đã phát triển lên hơn 20 con, anh bán một phần để xây dựng nhà cửa và thoát nghèo từ đó.

"Ban đầu thấy Lỳ mua nhiều chúng tôi đều rất sợ bởi nếu có dịch thì trắng tay như chơi. Nhưng sau một thời gian thấy đàn bò của Lỳ được tiêm phòng bệnh, phát triển tốt nên mọi người trong bản đều trầm trồ khen. Những người trẻ trước đây đều bỏ bản đi làm công ty thì nay đều nói với nhau rằng, một người mù như Lỳ còn thành công thì người bình thường chẳng lẽ không làm được. Thế là từ đó có phong trào thi đua nhau chăn nuôi gia súc để làm giàu", ông Lầu Bá Tồng, trưởng bản Huồi Pốc cho biết.

Từ năm 2023 đến nay, một phần do vợ bị ốm phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện, một phần để xây dựng thêm các công trình trong nhà, Già Bá Lỳ đã phải bán mất gần nửa số trâu, bò có được. Hiện tại chỉ còn 10 con và đang phát triển tốt, trong đó có những con bò chọi giá 30 - 40 triệu đồng. Già Bá Lỳ bảo rằng, mỗi tháng phụ cấp từ công việc ở Hội Người mù với chăn nuôi sản xuất ở nhà cũng đủ anh trang trải cho cuộc sống gia đình và cho 2 con ăn học.

"Già Bá Lỳ không chỉ là tấm gương nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh mà còn là một điển hình trong sản xuất của người dân xã Nậm Cắn. Đặc biệt hơn, Già Bá Lỳ còn giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới", ông Lê Hồng Lập – Bí thư chi bộ xã Nậm Cắn nhìn nhận.

Chàng trai mù người Mông và khát vọng ở vùng biên- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.