Chàng trai Pháp khát khao tìm lại người mẹ Việt thời chiến

28/09/2017 09:11 GMT+7

Sinh ra giữa bom đạn chiến tranh rồi được một gia đình Pháp nhận nuôi, ông David Zapata hội ngộ với cha ruột người Mỹ như một phép nhiệm màu sau gần nửa thế kỷ, nhưng hành trình tìm người mẹ Việt vẫn còn lắm gian nan.

Như một thước phim cảm động, David, tên hồi nhỏ là Trịnh Thanh Tuấn, tìm được cha ruột của mình sau 48 năm kể từ lúc chào đời. Cuộc đoàn viên ngày 7.3.2017 tại Ohio (Mỹ) là kết quả của một hành trình bền bỉ và sự giúp sức của khoa học hiện đại. Giờ đây, ông tiếp tục nuôi hy vọng tìm người mẹ ruột ở VN, nếu còn sống cũng đã trên dưới 70.
Ngày 3.6.1968, David ra đời tại Sài Gòn (nay là TP.HCM) và chỉ 2 ngày sau được đưa vào cô nhi viện Biên Hòa. Cũng giống như nhiều số phận khác, David không biết về nguồn cội của mình cho đến khi nghe chuyện từ cha mẹ nuôi người Pháp - ông Michel và bà Suzanne - lúc lên 8.
Mặc dù vẫn yêu thương gia đình hiện tại ở ngoại ô Saint Etienne, nhưng khát khao tìm cha mẹ ruột thôi thúc ông tới Thụy Sĩ gặp các sơ dòng Thánh Phaolô thành Chartres từng quản lý cô nhi viện Biên Hòa.
Năm 1998, David biết được danh tính thật của mình không phải Van Nam Nhan sinh ngày 7.7.1968 như trong giấy tờ mà ông lưu giữ.
Năm 2005, David cùng mẹ nuôi tìm đến Hội Chữ thập đỏ Pháp và có được liên lạc của bà Rose-Marie Taylor, một tình nguyện viên người Úc từng làm việc trong cô nhi viện Biên Hòa lúc ông sinh ra. Sau chừng ấy thời gian, bà Taylor khẳng định vẫn nhớ rất rõ cậu bé Tuấn. Ông quyết định về VN tìm mẹ vào năm 2014.
Chuyến đi cho David vài thông tin về người gửi ông vào cô nhi viện là bà Trịnh Thị Xuân, nhưng chừng đó vẫn chưa giúp được gì nhiều. Dù vậy, David không tuyệt vọng, càng không trách mẹ: “Tôi nghĩ bà ấy đã hành động theo bản năng sinh tồn. Vì cả tôi và bà ấy. Một đứa trẻ sinh ra mang màu mắt xanh như tôi trông không giống người bản địa chút nào”.
Khát khao tìm lại người mẹ Việt thời chiến
Cuộc hội ngộ bất ngờ của ông David (ngồi giữa) và người cha Kelly (hàng sau) trên báo Pháp
Hội ngộ bất ngờ
Trong khi đó, dù chẳng để lại tung tích gì, David lại may mắn tìm được cha ruột của mình. Theo lời kể của David, ông được một người bạn trong cộng đồng có cha là người Mỹ, mẹ người châu Á khuyên đi thử ADN. Ông nghe lời, bỏ vài trăm euro và nhận được kết quả bất ngờ. Sau 5 lần làm xét nghiệm ADN, David tìm được một số người có quan hệ huyết thống với mình.
Trong 5 năm ròng, David gửi hàng trăm email, tin nhắn Facebook, gọi điện thoại nhiều nơi để liên lạc với người thân, nhưng cũng thật khó khăn vì ai cũng sợ bị tiếp cận với mục tiêu xấu. Cuối cùng, nhờ sự kiên trì và thành tâm, David có cuộc hội ngộ với người cha chưa từng biết về mình - ông Kelly Dean Dowden.
Ngày 7.3.2017, ông gặp cha lần đầu tại sân bay Columbus (Ohio) trong tâm trạng hơi căng thẳng. "Không có giọt nước mắt nào, ngay cả trên khóe mắt. Tôi đã cứng rắn như thế trong suốt 5 năm trời. Không quá kỳ vọng để tránh bị thất vọng", David kể. May mắn thay, ông Kelly cùng 3 người con tại Mỹ đều cởi mở, vui vẻ đón nhận David. Đó là một ngày hạnh phúc.
Trong lần gặp mặt, David không quên hỏi cha về người mẹ Việt. Dù đã chớm 70, ông Kelly vẫn nhớ về quá khứ tham chiến tại VN lúc 19 tuổi. Ông gặp mẹ David tại Cần Thơ và đem lòng cảm mến. Cô gái khi ấy cũng chỉ mới chớm 20, nước da trắng và thường được gọi là Maya hay Miye. Hai người quen nhau được ít tuần thì người lính Mỹ được điều động đi nơi khác. Ông rời đi mà không hề hay biết cô gái đã mang giọt máu của mình.
Những lời kể đó tiếp thêm cho David một phần sức mạnh và hy vọng để tìm lại mẹ ruột, bởi ông là kết quả của một tình yêu thời chiến. Giờ đây, dù ở hai đất nước, David và cha vẫn thường xuyên giữ liên lạc, coi nhau là một phần trong gia đình mình.
David không quên khuyên những ai có hoàn cảnh tương tự hãy cậy nhờ vào khoa học, vào ngân hàng ADN thế giới. Còn với riêng ông, hành trình tìm người mẹ Việt dù mong manh nhưng vẫn sẽ tiếp tục.
Quý độc giả nếu có thông tin về người mẹ Việt của David xin liên hệ với Thanh Niên qua đường dây nóng: 0906.645.777.
Trả lời Thanh Niên, David cho biết vào khoảng năm 1967 - 1968, mẹ ông sống tại Cần Thơ, lúc đó khoảng 15 - 17 tuổi, nước da sáng, thường được gọi là Maya hoặc Miye (phát âm theo tiếng Anh). Có thể tên bà là Trịnh Thị Xuân, có con trai tên là Trịnh Thanh Tuấn, sinh ngày 3.6.1968, gửi tại cô nhi viện Biên Hòa ngày 5.6.1968.
Ông Dowden nhập ngũ ngày 15.9.1966, tham chiến tại miền Nam VN từ ngày 7.7.1967 đến tháng 7.1968 (Đơn vị 502nd TC Det USARPAC - RVN và 608th TC Det USARPAC - RVN). Hai người gặp nhau 15 lần trong thời gian ông Dowden phục vụ ở căn cứ quân sự tại sân bay Cần Thơ. Ông nhớ rõ bà thường hát cho ông nghe bài tình ca “Da Len, Da Ten, Da Den” (phát âm theo tiếng Pháp).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.