Chàng trai 'thu nhỏ' các công trình kiến trúc cổ

Giang Phương
Giang Phương
15/01/2023 07:00 GMT+7

Nguyễn Khắc Thành Đạt (23 tuổi) đã góp phần lan tỏa kiến thức về những công trình kiến trúc cổ thông qua bộ sưu tập thu nhỏ của mình.

Miệt mài những mảnh ghép

Hơn 2 năm qua, Nguyễn Khắc Thành Đạt (ngụ xã Suối Dây, H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã thực hiện ước mơ sưu tầm những công trình kiến trúc cổ của VN qua mô hình 3D bằng giấy. “Nếu được tận mắt ngắm những công trình kiến trúc cổ thật hoặc qua phiên bản thu nhỏ thì mọi người sẽ càng muốn tự tìm hiểu các kiến thức liên quan”, Đạt nói. Từ đó Đạt có ý định sưu tầm các công trình kiến trúc cổ của VN. Thế nhưng do chưa có điều kiện thực hiện nên Đạt ấp ủ trong suốt thời gian dài.

Nguyễn Khắc Thành Đạt bên những mô hình công trình nổi tiếng

Giang Phương

Trong những ngày nghỉ vì dịch Covid-19, tình cờ Đạt tìm thấy một trang web chuyên bán các mô hình công trình kiến trúc cổ VN độc đáo, đúng ước nguyện sưu tầm của mình. Đạt thích thú đặt thử mô hình Tòa thánh Cao Đài - một công trình kiến trúc độc đáo. Sau hơn 3 ngày liền cặm cụi lắp ráp những mảnh ghép nhỏ xíu vào với nhau, Đạt đã có một mô hình Tòa thánh Cao Đài thu nhỏ với kích thước 17 x 52 x 15 cm.

Thế nhưng Đạt vẫn chưa thấy hài lòng bởi mô hình vẫn còn đơn điệu, chỉ ngắm được vào ban ngày. Do đó, Đạt tìm tòi nghiên cứu kỹ hơn về kiến trúc Tòa thánh và “độ” thêm 26 bóng đèn led chạy khắp tòa nhà để có thể cảm nhận sự lung linh, lộng lẫy của mô hình về đêm như ngoài đời thật.

Nhà thờ lớn Hà Nội sống động như thật

“Cái khó nhất khi hoàn thiện mô hình là phải tìm được chính xác những mảnh ghép để lắp vô. Ngoài ra, khi làm hệ thống đèn phải làm sao lắp vào mà không bị bung các chi tiết”, Đạt nói. Do đó, Đạt phải kiên nhẫn từng chút một để chấm những mối hàn cho thật chắc. Mỗi công trình thông thường Đạt mất 1 - 2 ngày hoàn thành thì Tòa thánh phải mất đến 3 ngày mới xong.

Mô hình chân thật đến từng chi tiết

Mô hình Tòa thánh hoàn thành càng khiến Đạt có thêm động lực để sưu tầm thêm nhiều mô hình liên quan đến các địa danh nổi tiếng khắp VN. Đến nay Đạt đã có hơn 20 mô hình các địa danh, công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử.

Xe tăng lịch sử số hiệu 390 trước cổng Dinh Độc Lập

Đạt còn lắp ráp, nâng cấp hệ thống đèn led giúp mô hình trở nên chân thực, sống động hơn, từ tòa nhà UBND TP.HCM đến kiến trúc cổ kính của nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Lớn Hà Nội, vẻ đẹp độc đáo của chùa cầu Hội An, chùa Một Cột cho đến chiếc xe tăng số hiệu 390 làm nên lịch sử trong ngày 30.4.1975. Hay cây cầu Rồng (Đà Nẵng) mang hình dáng rồng thời Lý với đầu hướng ra biển - biểu tượng thể hiện khát vọng vươn lên và phát triển của TP.Đà Nẵng (dài 666 m, rộng khoảng 37,5 m) được thu nhỏ với chiều dài 94 cm; cầu Trường Tiền (Huế) nức tiếng trong thi ca nhạc họa dài 402,60 m được thu lại còn 102 cm…

Hệ thống đèn được Đạt nâng cấp cho các công trình mô hình

Đạt cho biết: “Các mô hình được thiết kế bằng giấy, chân thật đến từng chi tiết nhỏ nhất. Do đó, để giữ được độ chính xác của mô hình so với công trình thực tế, mình phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, nhất là hệ thống đèn”.

Sau khi hoàn chỉnh mô hình, Đạt chụp ảnh và đăng tải lên mạng xã hội. Mỗi công trình, Đạt lồng ghép chi tiết các thông tin liên quan. Chính cách lan tỏa độc đáo này đã góp phần truyền tải thông điệp về văn hóa, lịch sử một cách mới mẻ, hấp dẫn khiến nhiều bạn trẻ thích thú.

Mô hình bằng giấy Tòa Thánh Cao Đài, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và nhà thờ Fatima Bình Triệu sống động như thật

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó bí thư Đảng ủy xã Suối Dây, cho rằng việc sưu tầm các mô hình của Thành Đạt thể hiện sự sáng tạo của người trẻ, góp phần lan tỏa những công trình kiến trúc cổ của VN. Đặc biệt, thông qua việc quan sát trực tiếp mô hình, các thông tin liên quan giúp bạn trẻ chưa có điều kiện đi nhiều nơi sẽ phần nào có những trải nghiệm chân thật hơn về các địa danh, sự kiện lịch sử.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Khắc Thành Đạt theo học chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Trung tâm tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Sự nỗ lực trong học tập và tinh thần chủ động khám phá đã giúp Đạt có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng sống để trở về cống hiến cho địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.