Anh Sêng học ngành khoa học cây trồng, Trường ĐH Cần Thơ. Năm 2018, anh ra trường và xin được công việc đúng chuyên ngành. Trong thời gian làm việc, anh tiếp cận với mô hình Aquaponics (mô hình nuôi cá tuần hoàn kết hợp trồng rau sạch).
"Đây là mô hình kết hợp giữa nuôi thủy sản tuần hoàn và trồng cây thủy canh theo chu kỳ hoàn toàn khép kín. Từ đó, tôi luôn ấp ủ dự định khởi nghiệp từ mô hình này trên chính mảnh đất quê nhà", anh nói.
Năm 2021, sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, anh Sêng quyết định trở về quê thực hiện mô hình nói trên với diện tích 250 m2. Ở mô hình này, rau được trồng trên giàn thủy canh, cá được nuôi trong bể bạt. Nước từ bồn nuôi cá thông qua quá trình nitrat hóa sẽ chuyển chất thải trong bể cá thành dinh dưỡng cho cây trồng. Sau đó, nước được lọc sạch bởi giá thể và cây trồng rồi trả về bể cá.
"Với hệ thống này, cây rau trồng thủy canh sẽ phân giải chất thải của cá thành dạng cây trồng hấp thụ được, không cần phải thay nước. Loại rau trồng bằng hình thức thủy canh không sử dụng phân bón, thuốc hóa học nên không sợ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng", anh Sêng nói.
Để phòng trừ sâu bệnh cho rau, anh tự chế phân bón hữu cơ, kết hợp dùng các phương pháp tự nhiên hiệu quả, an toàn như sử dụng những loại rau củ quả có chứa hàm lượng tinh dầu mạnh như cây sả, ớt, tỏi, hành, gừng, chanh… bào chế ra chất để phun xịt.
Rau được trồng chủ yếu là rau muống, cải ngọt, cho thu hoạch hằng ngày khoảng 5 - 10 kg. Rau được cung cấp cho tiểu thương tại chợ trên địa bàn với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch sẽ cho giống mới vào ô trống, khoảng hơn 10 ngày sau lại tiếp tục cho thu hoạch.
Bồn nuôi cá trê khoảng 2,5 - 3 tháng sẽ thu hoạch, mỗi đợt thu được khoảng 800 kg cá/bể. Sắp tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư thêm hai bể, thả nuôi các loại cá đặc sản như: cá lóc, cá heo đuôi đỏ, cá chình…
Theo anh Sêng, hiện nay người tiêu dùng lo ngại về thực phẩm không an toàn. Vậy nên, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là hướng đi tất yếu nhằm tạo ra những mặt hàng an toàn cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Anh Sêng được Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang trao vốn khởi nghiệp, với số tiền 80 triệu đồng. Nhờ đó, giúp anh có thêm nguồn vốn mở rộng mô hình, tăng thêm thu nhập.
Chị Trương Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang, cho biết mô hình của anh Sêng đem lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho thanh niên nông thôn. Đặc biệt, anh còn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện lắp đặt mô hình cho những người có nhu cầu.
Bình luận (0)