Trước khi đạp xe thể thao, Linh là một streamer chuyên về game. Công việc khiến anh thường xuyên thức đến 3 - 4 giờ sáng, sau đó ngủ đến chiều. Cuộc sống cứ quanh quẩn ở nhà, trong 1 năm anh tăng từ 70 kg lên 110 kg và duy trì cân nặng đó trong 3 năm. "Người thừa cân nên chậm chạp lắm. Mình từng đến phòng tập gym mong muốn giảm cân nhưng được ít bữa lại bỏ", Linh nhớ lại khoảng thời gian bế tắc.
THOÁT CẢNH BÉO PHÌ NHỜ… ĐẠP XE
Giữa tháng 12.2022, Linh mua chiếc xe đạp. Chọn đạp xe là bởi phương tiện này có thể đưa anh đến những nơi anh muốn, nhìn ngắm những cảnh đẹp và tiêu hao năng lượng để hy vọng giảm cân. Dậy từ 5 giờ, Linh đạp từ Q.11 sang cầu Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức. Hít những hơi dài không khí trong lành buổi sáng là điều đầu tiên khiến Linh cảm thấy thích thú. Ngang qua Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, cầu Thủ Thiêm, những làn gió mát rượi phà vào mặt, khiến anh thấy bản thân có nhiều năng lượng. "Sống ở TP.HCM 2 năm nhưng mình chỉ ở trong phòng, chưa bao giờ biết đến những cảm giác và nhìn thấy khung cảnh tuyệt vời như vậy", chàng trai nói.
Từ đó, anh tạm rời xa máy tính, rèn bản thân thói quen dậy sớm để đạp xe. Nửa tháng sau, Linh quyết định rời TP.HCM ra Đà Nẵng sống và vẫn đạp xe mỗi sáng. Táo bạo hơn, Linh thử sức đạp cả trăm ki lô mét trong ngày để ra Huế, vào Quảng Nam… Sau 5 tháng, chàng trai giảm được 30 kg. Tuy không đặt mục tiêu giảm cân nhanh bằng việc đạp xe nhưng kết quả đem lại ngoài sự mong đợi. Vì muốn thử thách bản thân, ngày 15.4, Linh bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt.
3 chặng đầu tiên từ Đà Nẵng ra đến quê hương Ninh Bình rồi chinh phục các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và chặng cuối đạp vào miền Nam đến Mũi Cà Mau.
Hành trang của Linh đơn giản gồm 3 bộ quần áo, vật dụng cá nhân, thuốc, đồ sửa xe. Tưởng chừng không có sức đạp cho ngày đầu tiên nhưng với tinh thần phấn khởi, Linh đạp một mạch đến trưa thì ra Huế. Sau đó đạp tiếp ra đến TP.Đông Hà (Quảng Trị). Một ngày hành trình bắt đầu từ 5 giờ đến 17 giờ, trong đó 5 - 6 tiếng đạp xe, còn lại anh ngắm cảnh, chụp hình và khám phá nhiều vùng miền. Tổng chi phí cho việc ăn uống và thuê nhà nghỉ khoảng 500.000 đồng/ngày.
"VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH"
Linh chia sẻ, anh chưa bao giờ có ý định kết thúc sớm hành trình. Những ngọn núi cao toàn đèo và dốc đôi lần khiến anh nản chí. Có những đoạn đường chỉ dài 5 km nhưng anh mất hơn 2 tiếng mới vượt qua. "Điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Trải qua những lần như thế, tôi rèn được sự kiên trì và dám đón nhận mọi khó khăn với tinh thần vui vẻ", Linh nói.
Linh thừa nhận làm streamer mang lại cho anh thu nhập khá, nhưng đổi lại cũng lấy đi sức khỏe, kỹ năng sống và mối quan hệ bạn bè bên ngoài. Thường xuyên chia sẻ hành trình của mình lên các nhóm mạng xã hội và truyền năng lượng cho nhiều người. Những dòng bình luận khích lệ, cảm ơn giúp Linh có thêm những người bạn mới. Chàng trai cho biết, chuyến đi này còn giúp anh hiểu được thêm tấm lòng tốt bụng của người Việt. Đi đến đâu Linh cũng được giúp đỡ, có người mời anh nước uống, bữa cơm khiến chàng trai rất xúc động. Linh dự định sẽ học thêm về nghề sửa xe đạp, mở một tiệm bán xe đạp nuôi dưỡng đam mê của mình.
Anh Đặng Đình Hiếu, chủ một cửa hàng xe đạp ở Q.Hà Đông, Hà Nội, cho biết: "Tôi khâm phục ý chí, sự kiên trì của cậu ấy khi thực hiện chuyến xuyên Việt. Khi ra Hà Nội, Linh có đến gặp tôi để bảo dưỡng xe. Nhìn cậu ấy ngoài đời, tôi thấy Linh thay đổi rất nhiều từ diện mạo, tinh thần, cách ăn nói cũng điềm đạm, nhẹ nhàng, không còn như thời còn làm streamer".
Đến ngày 10.6, Linh vào đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận), vượt qua hơn 3.500 km. Linh không dám tự nhận mình đã làm được điều lớn lao và mong: "Nếu thấy mệt mỏi trong cuộc sống thì mình dừng lại nghỉ một chút chứ đừng bỏ cuộc. Nhìn nhận cuộc sống bằng tinh thần tích cực, mọi điều tốt nhất định sẽ đến".
Bình luận (0)