Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các trường học trên toàn thế giới phải chuyển sang dạy học trực tuyến và Trường Sư phạm thuộc Đại học Columbia, một trong những đại học hàng đầu nước Mỹ, cũng không là ngoại lệ. Quá trình chuyển đổi số giáo dục của trường có công sức không nhỏ của anh Lê Đắc Minh.
Anh Lê Đắc Minh (trái) trao đổi với đồng nghiệp tại nơi làm việc |
NVCC |
Khó khăn chồng chất
Là chuyên gia thiết kế chương trình học trực tuyến, anh Minh phụ trách việc tập huấn, tư vấn cho các giáo viên về cách áp dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy, giúp họ thiết kế bài giảng và cập nhật các công cụ hỗ trợ giáo dục mới nhất.
“Dạy học trực tuyến là xu hướng được các đại học ở Mỹ quan tâm từ cách đây 15 năm. Mỗi trường đều có mục tiêu chiến lược để chuyển đổi số giáo dục và đầu tư rất nhiều để nâng cấp hệ thống, công nghệ”, anh Minh chia sẻ khi trả lời Thanh Niên.
Dù chú trọng việc dạy học trực tuyến từ rất sớm và có đầy đủ trang thiết bị, Trường Sư phạm của Đại học Columbia gặp không ít khó khăn trong thời điểm đầu đại dịch.
“Khi đó, chính quyền bang New York ra lệnh phong tỏa rất đột ngột. Trường chỉ có 5 - 6 ngày để chuẩn bị chuyển toàn bộ lớp học lên internet. Nhóm của anh liên tục nhận báo lỗi và phải họp để tìm cách giải quyết vấn đề gần như mỗi ngày”, anh Minh kể.
Phần lớn giáo viên tại trường đã lớn tuổi và không quen với việc dùng công nghệ. Vì vậy các thầy cô rất “sợ” phải dạy học trực tuyến, anh Minh cho biết. “Do rào cản về công nghệ, hoạt động thảo luận hay làm việc nhóm của sinh viên diễn ra không được tự nhiên trong khi các lớp học ở Mỹ thường có tính tương tác cao. Bên cạnh đó, việc sinh viên quốc tế bị trái múi giờ, không thể dùng ứng dụng của công ty Mỹ tại Trung Quốc hay đường truyền không ổn định là các vấn đề thường xuyên xảy ra”, anh Minh nhớ lại.
Anh Lê Đắc Minh cùng ông Thomas R.Bailey, Hiệu trưởng Trường Sư phạm thuộc Đại học Columbia, trong lễ tốt nghiệp |
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Những khó khăn này giúp anh Minh và đồng nghiệp có được bài học để việc dạy học trực tuyến ở các học kỳ sau diễn ra suôn sẻ. “Nhóm anh không để rơi vào thế bị động nữa. Giáo viên cũng dành thời gian để nghiên cứu phương pháp giảng dạy và tìm cách tạo ra trải nghiệm học tập mới”, anh Minh nói thêm.
Với anh, đại dịch không chỉ tạo ra thách thức mà còn mang đến cơ hội mới cho quá trình chuyển đổi số giáo dục. “Giáo dục vốn là lĩnh vực rất chậm thay đổi. Tuy nhiên, Covid-19 đã dẫn đến những đổi mới mà nhiều chuyên gia cho rằng chỉ xảy ra trong 20 - 30 năm nữa. Các giáo viên lớn tuổi đã thay đổi tư duy của họ về việc dạy học trực tuyến. Nhiều sản phẩm công nghệ giáo dục cũng đã ra đời trong giai đoạn này”, anh Minh chỉ ra.
Mang công nghệ giáo dục về Việt Nam
Niềm đam mê công nghệ giáo dục của anh Minh đã nhen nhóm từ những năm cấp 3, khi anh mày mò giúp thầy cô soạn tài liệu giảng dạy. Thời điểm đó, thiết bị công nghệ chưa quá phổ biến ở Việt Nam và giáo viên gặp nhiều trở ngại trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lớp học. Với mong muốn giúp sức cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nước nhà, anh Minh đã theo học thạc sĩ công nghệ giáo dục tại Đại học Columbia và được trường giữ lại làm việc. Tuy vậy, anh vẫn đang cố gắng thực hiện tâm nguyện của mình qua việc chia sẻ kinh nghiệm cho các đại học Việt Nam.
Từ công việc của mình, anh Minh đã rút ra được những kinh nghiệm các trường tại Việt Nam có thể áp dụng. Trong đó, quan trọng nhất là phải có tư duy chiến lược, không thể xem dạy học trực tuyến là một giải pháp tình thế mà phải nhìn nhận đó là xu hướng của tương lai. Bên cạnh công nghệ, Việt Nam cũng cần chú trọng đến yếu tố con người trong chuyển đổi số giáo dục. “Cần có đội ngũ hỗ trợ và các nền tảng để chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Cuối cùng, sinh viên cần được trang bị phương pháp học tập hiệu quả và phát triển thói quen tự học”, anh Minh cho biết.
Bình luận (0)