Chánh án tối cao: Họp 3 ngành không phải ‘bàn ông này, ông kia bao nhiêu năm’

20/03/2023 12:43 GMT+7

Nói về việc họp 3 ngành, Chánh án TAND tối cao khẳng định họp để bàn giao tài liệu và lộ trình xét xử, chứ không phải "bàn ông này bao nhiêu năm, ông kia bao nhiêu năm".

Tại phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao sáng 20.3, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) đặt câu hỏi: "Hiện nay có còn hiện tượng 3 ngành (tòa án, viện kiểm sát, công an - PV) họp với nhau nữa không, tại sao phải họp bàn thống nhất với nhau. Việc họp như vậy có bảo đảm tính độc lập của tòa án và thẩm phán hay không, có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo hoặc chủ thể trong các quan hệ tố tụng hay không?".

Chánh án tối cao: Họp 3 ngành không phải ‘bàn ông này, ông kia bao nhiêu năm’ - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

GIA HÂN

Trả lời vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đối với những vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp. Tuy nhiên, việc họp này không ảnh hưởng đến tính độc lập của tòa án.

"Họp để bàn giao tài liệu, thống nhất với nhau về lộ trình đưa vụ án ra xét xử, chứ không phải họp để bàn với nhau về tội danh, mức án, mức phạt hay gì cả", ông Bình nói.

Vẫn theo ông Bình, tất cả các vụ án lớn đều phải có sự phối hợp với nhau giữa công an, viện kiểm sát và tòa án.

"Việc phối hợp là cần thiết để bàn giao hồ sơ, tổ chức phiên tòa như thế nào cho đúng quy định pháp luật; chứ không có việc bàn ông này bao năm, ông kia bao năm, thu của ông này cái gì, thu của ông kia cái gì", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đồng thời tái khẳng định việc họp "không ảnh hưởng tới độc lập tư pháp".

[Trực tiếp] Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/3 | VTC Now

Cũng tại phiên họp, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho biết, hiện nay có thực trạng thời gian để giải quyết các vụ án tranh chấp về kinh tế bị kéo dài; có thể không vượt khung thời gian luật định nhưng kéo dài trên thực tế. Điều này không chỉ gây tốn kém về thời gian mà còn có thể tạo ra tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết giải pháp khắc phục thực trạng này trong thời gian tới?

Chánh án TAND tối cao cho biết, đối với các vụ án kinh tế, theo số liệu báo cáo, thời gian giải quyết các vụ án đã chấp hành tốt, được Quốc hội khẳng định trong những lần xem xét kết quả công tác hàng năm. Tuy nhiên, vẫn có những vụ án kinh tế, tranh chấp thương mại bị chậm trễ. Án kinh tế tranh chấp thương mại là án rất khó; không phải chỉ có Việt Nam, thế giới cũng đối diện với khó khăn này.

Giải pháp đặt ra là phải nâng cao chất lượng, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của các thẩm phán để áp dụng đúng pháp luật; đồng thời cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc, vụ án đúng thời hạn theo luật định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.