Thay vì điều tiết hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu trong bối cảnh toàn bộ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, chính sách thuế lại một lần nữa khiến họ mệt mỏi dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2020.
Với quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm, trường hợp nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp theo hướng dẫn thi hành luật quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 5.12 tới... có thể khiến cả cộng đồng DN rơi vào tình trạng bị phạt vì chậm nộp thuế. Bởi chúng ta đều biết, người dân làm ăn quanh năm, cuối năm cũng là thời điểm tiêu tiền nhiều nhất từ thực phẩm cho tới quần áo, xe cộ, sửa sang nhà cửa...
Thế nên, quý cuối cùng của năm luôn là quý tăng tốc, quý giao dịch nhiều nhất ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề. Nhưng “chẳng may” DN có doanh thu lớn, lãi cao khiến số thuế nộp 3 quý đầu năm không đạt tỷ lệ 75% thì cầm chắc bị ghi vào “sổ đen” nhà thuế. Để tránh bị phạt, DN chỉ có cách nộp dư hơn, cao hơn. Nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tiền đâu mà nộp dư ngoài cách “thâm” vào vốn làm ăn? Mà vốn bị xà xẻo thì ảnh hưởng đến kinh doanh, đầu tư và cuối cùng thì lại ảnh hưởng đến chính nguồn thu của ngân sách. Có thể thấy, chính sách thuế vừa bất hợp lý, vừa tính già hóa non, được con tép mà mất con tôm. Quan trọng hơn, nó còn làm mất động lực phát triển của DN. Vì nỗ lực tăng trưởng như phân tích trên, có khi lại khiến họ bị phạt thuế.
Nhìn lại từ đầu năm nay, chính sách thuế không ít lần khiến người dân chán nản. Đơn cử như thuế thu nhập cá nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, dù rất nhiều kiến nghị đề xuất hoãn, miễn, giảm thuế cho cá nhân để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn bị giảm thu nhập, mất việc... do đại dịch nhưng đều bị phớt lờ. Thuế, phí với đầu tư chứng khoán, bất động sản thì dù thua lỗ vẫn phải nộp 0,1%/tổng giá trị giao dịch với chứng khoán và 2%/tổng giá trị với bất động sản mà không hề có sự hỗ trợ nào. Xin nhắc lại rằng, hoãn hay miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân không chỉ thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với người dân mà còn là giải pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhất ở bất kỳ nền kinh tế nào trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Miễn, giảm thuế đồng nghĩa người dân được tăng thu nhập, họ có thêm đồng ra đồng vào để mua sắm cho gia đình, DN bán được hàng, sản xuất được kích hoạt, nhà nước lại thu được thuế, chẳng mất đi đâu.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết ngành tài chính đầu tháng 7 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.
Đây là một quan điểm hết sức đúng đắn, thể hiện cái tâm, cái tầm của Chính phủ trong nhiệm vụ thu thuế mà ngành tài chính nên lấy đó làm tôn chỉ khi xây dựng các chính sách thuế.
Thuế phải nuôi dưỡng nguồn thu chứ đừng như hiện nay, nhà thuế chỉ lo siết, lo hụt thu trước mắt, lo chọn việc nhẹ nhàng... mà đổ khó lên người dân, DN.
Bình luận (0)