Phá sản để giải thoát

Anh Vũ
Anh Vũ
05/03/2021 04:40 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc , tại phiên họp xử lý 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương gần đây, đã tuyên bố “ doanh nghiệp nhà nước nào không thể khắc phục được thì cho phá sản”. Dư luận rất đồng tình, ủng hộ.

Đầu tư, kinh doanh doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như tư nhân đều phải chấp nhận rủi ro, lời ăn lỗ chịu. Thiên tai, dịch bệnh, thị trường, quản trị, điều hành... khiến bất cứ DN nào cũng có thể rơi vào cảnh thua lỗ, mất vốn, không có khả năng trả nợ. Cách lựa chọn tốt nhất đối với các trường hợp này là phá sản.
Chúng ta đã có quá nhiều bài học phải trả giá bằng tiền, uy tín, niềm tin, chi phí cơ hội khi “né tránh” phá sản. Điển hình là “con tàu đắm” Vinashin. 10 năm tái cơ cấu, đổi tên (SBIC), bơm vốn, bảo lãnh, trả nợ thay…; đến nay SBIC vẫn thua lỗ như khẳng định của chính Bộ GTVT, cũng như lãnh đạo của DN này. 110 công ty thuộc Vinashin phải phá sản, nhưng đến nay số hoàn thành mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lỗ vẫn hoàn lỗ, nợ cũ chồng nợ mới. Đáng nói, chúng ta đã mất bao nhiêu tiền để “trục vớt” con tàu đắm với khoản lỗ từng được xác định lên tới 86.000 tỉ đồng này, đến nay vẫn còn là một dấu hỏi về sự thiếu minh bạch!
Vì vậy, 12 đại dự án thua lỗ không thể tiếp tục chìm theo con tàu này. Ngân sách có hạn, chúng ta vẫn phải đi vay để đầu tư, thậm chí để chi bộ máy, tiền đâu để giải cứu những DNNN thua lỗ, làm ăn bết bát, mất vốn. Cái nào không thể cứu, thì cứu để làm gì, để ngân sách lại bội chi, nợ công tăng cao, để lại “đống nợ” cho con cháu đời sau và một nền kinh tế yếu kém, trì trệ?
Pháp luật về giải thể và phá sản của chúng ta đã khá đầy đủ, được áp dụng chung, không phân biệt DNNN hay tư nhân. Ngay từ năm 1995, luật DNNN đã khẳng định DNNN phải bị giải thể, phá sản theo pháp luật về giải thể, phá sản. Luật Phá sản năm 2004 và tiếp tục sửa đổi vào 2014 cũng đã quy định rất cụ thể, rõ ràng. Vấn đề là chúng ta có dám đối mặt, dám nhìn thẳng vào sự thật để cắt bỏ các “khối u” hay tiếp tục né tránh, sợ trách nhiệm, sợ đổ vỡ hệ thống?
các nước phát triển, phá sản DN, thậm chí ngân hàng là điều gì đó rất đỗi bình thường. Ở ta, có những đặc thù khác về thể chế, quản trị nhưng nhận thức đang bị lệch lạc, có sự e ngại. Chúng ta sợ phá sản là yếu kém, mất uy tín, danh dự, đổ vỡ nền kinh tế…
Như đã nói, không có gì đảm bảo được khi kinh doanh đều phải thành công, phải có lãi. Đầu tư luôn đi cùng rủi ro, thất bại và chủ sở hữu nào cũng phải chấp nhận nó. Khi DN mất vốn, vỡ nợ, mất thanh khoản, phá sản mới chính là giải pháp tốt nhất. Nhà nước không phải gánh nợ, DN được giải thoát khỏi những sợi dây trói buộc, được xóa đi làm lại với một sinh khí mới, một khởi đầu mới.
Cho nên phá sản không có gì là sai, là xấu. Chỉ sai và xấu khi chúng ta sợ trách nhiệm mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.