Sân trước, sân sau

Anh Vũ
Anh Vũ
15/03/2021 04:44 GMT+7

Buôn lậu , hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan khắp nơi giữa thanh thiên bạch nhật.

Năm nào lực lượng chức năng cũng tuyên bố bắt hàng chục nghìn vụ, thu ngân sách hàng nghìn tỉ đồng nhưng nguyên nhân gốc, rễ là tiêu cực, tham nhũng trong chính lực lượng chống tiêu cực nơi tuyến đầu như thuế, hải quan, quản lý thị trường... luôn được đề cập tới một cách rất rụt rè dưới dạng dấu hiệu, hiện tượng hay chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Phải chăng chính sự tha hóa, biến chất của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ công chức, mà đặc biệt tại địa bàn chống buôn lậu nóng như An Giang vừa qua đã khiến một “đầu nậu” như Trần Trí Mãnh dám bỏ ra 20 tỉ đồng để tìm cách mua chuộc, điều chuyển giám đốc công an tỉnh đi nơi khác.
Hãy điểm lại một số vụ án nổi bật liên quan đến cán bộ thuế, hải quan thời gian qua. Tại An Giang, 3 căn nhà của gia đình cán bộ biên phòng, đội phòng chống tội phạm và ma túy chứa đầy “hàng lậu”; 3 cán bộ thuế tiếp tay cho doanh nghiệp làm hóa đơn, chứng từ để trốn thuế. Ở Quảng Ninh, 6 cán bộ công chức Cục Hải quan Quảng Ninh, trong đó có Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng của Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh bị đình chỉ chức vụ do liên quan đến đường dây buôn lậu tại cửa khẩu này. Tại Đồng Nai, ngày 6.3 đã khởi tố, bắt giam ông Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)...
Trước đó, nghi án nhận hối lộ 25 triệu yen tại Tenma VN, Bộ Tài chính đã đình chỉ tới 11 công chức liên quan, trong đó có Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh, một vụ trưởng của Tổng cục thuế, nguyên là Phó cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh...
Điểm chung của tất cả vụ án này là chỉ khi công an khởi tố, bắt tạm giam thì phía cơ quan hải quan, thuế mới “cuống cuồng” đình chỉ chức vụ, tuyên bố xử lý cán bộ. Còn trước đó thì sao, ai kiểm tra nội bộ, ai thanh tra công vụ? Đã có lãnh đạo nào bị cách chức, điều chuyển vì thiếu trách nhiệm, làm ngơ?
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, trước khi tung những cú đấm thép vào thành trì buôn lậu đã thẳng thắn trả lời báo chí: “Tôi nghĩ tất cả các loại tội phạm đều phải bị xử lý như nhau vì cá nhân tôi không ở địa phương này, không có người thân quen, không có “sân trước, sân sau” lợi ích kinh tế gì ở đây nên trong công tác xử lý tội phạm sẽ luôn triệt để, công tâm”.
Đặc biệt thực tế ở nhiều địa phương gần đây như Đồng Nai, An Giang... cho thấy hiệu quả tích cực của chính sách đưa người nơi khác về làm lãnh đạo công an. Từ hiệu quả này, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của những lãnh đạo tiền nhiệm khi để tội phạm “ẩn náu” một thời gian dài...
Sân trước, sân sau, lợi ích kinh tế, tiền bạc luôn là cám dỗ người ta đánh đổi bằng đạo đức công vụ, sự liêm chính, bản lĩnh. Vì vậy, với những môi trường công việc nguy hiểm, rủi ro, phải đổi bằng xương máu, tính mạng thì cần có đãi ngộ xứng đáng, trang bị phương tiện đầy đủ, hiện đại; phong tặng, khen thưởng kịp thời... nhưng cũng cần phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm, đặc biệt là người đứng đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.