Có một loài cá được ngư dân miền Trung quê tôi đặt cho cái tên nghe rất bí hiểm, mang hơi hướm tâm linh, đó là cá bùa. Cá bùa hiếm khi xuất hiện trên khoang thuyền sau những chuyến ra khơi, thỉnh thoảng lắm chúng mới lẫn lộn vào mớ cá tươi rói vẫy vùng trong mẻ lưới.
|
Hình dáng bên ngoài cá bùa na ná cá đuối, nhưng phần thân và đầu bè ra, còn đuôi thì ngắn như các loại cá bình thường khác. Cá bùa có thể kho rim, kho tộ ăn với cơm nóng rất ngon. Nhưng theo kinh nghiệm của ngư dân, cá bùa mà nấu cháo thì ngon hết sảy, hơn nữa ăn cháo cá bùa còn có tác dụng cải thiện chứng nhức đầu kinh niên. Trước khi đem nấu cháo, cá phải được móc mang, bỏ ruột thật sạch. Để loại bỏ bớt lớp nhớt trên da cá, cần ngâm cá với một ít nước muối pha loãng, sau đó rửa lại bằng nước lạnh, để ráo.
Bước tiếp theo bổ cá làm đôi theo chiều dọc, rồi cắt ngang thành từng lát vừa ăn và ướp gia vị. Ngoài các phụ liệu: hành tím, nước mắm, bột ngọt, tiêu, cần cho thêm vài củ nén đập dập để khử mùi tanh, và cũng để thịt cá thêm thơm ngon. Để cá thấm gia vị chừng 10 phút, bắc chảo lên bếp phi hành thật thơm, đổ vào tao đều. Khi cá chín tỏa mùi thơm, trút cá vào nồi cháo trắng, vặn lửa riu riu một lúc rồi tắt bếp. Múc cháo ra tô, điểm lên ít hành ngò thái nhỏ. Tùy theo khẩu vị từng người, có thể nêm thêm ít nước mắm ớt tỏi hay rắc lên ít tiêu xay.
Cháo cá bùa vừa thổi vừa húp mới ngon. Từng muỗng cháo thơm ngọt, nóng hổi, mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau tứa ra, sau đó cảm giác cơ thể trở nên nhẹ nhõm thanh thản đến lạ kỳ. Nhiều người nhờ loại cháo này mà bệnh đau đầu kinh niên thuyên giảm rõ rệt. Cá bùa vì thế không chỉ là món ăn mà còn có công dụng chữa bệnh nên được rất nhiều người ưa thích.
Nguyễn Văn Học
Bình luận (0)