Lòng heo hấp dẫn ăn kèm với cháo |
Sài Gòn có đủ loại cháo trên đời nhưng thử hỏi rằng có loại cháo nào độc đáo nhất mà cũng phổ biến nhất, tiệm quán có, ở chợ có, lề đường có, hàng rong cũng có thì ắt hẳn đó là cháo lòng. Những người Việt xa quê hương khi buồn buồn, ngồi ngẫm nghĩ thấy mình cứ thiếu thiếu cái gì, một hồi thì sực nhớ ra: "cháo lòng". Cũng đúng thôi mà, vì những món khác có thể tự nấu được mà ăn cho đã thèm, chứ món cháo lòng thì chịu thôi.
Cháo lòng trông rất đơn giản, tuy nhiên để cho ra nồi cháo ngon và dĩa lòng ngon thì đòi hỏi sự tỉ mẩn và nghiêm ngặt, thậm chí phải rất sạch sẽ thì khi ăn mới không còn mùi hôi. Sở dĩ “Tây” sợ lòng và thường bỏ đi hoặc bán rẻ vì nội tạng heo nhìn chung có mùi hôi đặc trưng. Thế nhưng, dưới bàn tay tài hoa và chăm chỉ của người Việt, món cháo lòng đã trở nên thơm phức và khó quên.
Nước mắm chua ngọt ăn kèm với lòng, nêm thêm chút ớt nữa mới đủ vị. Ngoài ra còn ăn kèm với rau thơm và gừng thái sợi |
Cháo lòng ở Sài Gòn rất phong phú, đủ cả gu Bắc, Trung, Nam. Thoạt tiên những người Bắc vào Sài Gòn rất ngạc nhiên vì cháo lòng lại ăn kèm với giá, hạt gạo rời, nước đi đằng nước, gạo đi đằng gạo chứ không dẻo như cháo lòng ngoài Bắc. Nhưng nếu sống lâu ở Sài Gòn thì nhất định sẽ tìm được nơi bán cháo lòng ưng ý mình.
Có ý kiến cho rằng cháo lòng có nguồn gốc miền Trung. Điều này có lẽ đúng, chẳng hạn như cháo lòng Huế cũng tương tự như cháo lòng Sài Gòn bây giờ, nước cháo phải trong, hạt gạo rời. Đó là do trước khi nấu cháo phải mang gạo đi luộc. Nếu đã ghiền cháo lòng rồi sẽ thấy cháo kiểu nào cũng có cái ngon của nó! Bởi vì nếu đi ăn cháo lòng thì phần nhiều khoái khẩu lại nằm ở dĩa lòng nhiều hơn.
Cháo lòng hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai kết hợp được khẩu vị đủ cả Bắc, Trung Nam, có lẽ vì vậy mà quán này lúc nào cũng nườm nượp khách. Lòng ở đây rất tươi mới và khi ăn không còn mùi hôi đặc trưng. Cháo là loại gạo nát, vừa rời, vừa dẻo, vậy nên gu Bắc hay Nam ăn đều thích.
Chủ quán nhất định không nói tên mà tự hào: "Cháo lòng Minh Khai" đã là một thương hiệu rồi. Có những Việt kiều kể lại, ra xứ người mà tả với nhau rằng mình ở gần cái hẻm cháo lòng ở đường Minh Khai là ai cũng biết.
|
Dĩa lòng ở đây có đủ những thứ khoái khẩu có thể "khai thác" từ một con heo. Người mô tả dĩa lòng heo hay nhất cho đến nay chỉ có thể là nhà văn Vũ Bằng: “Thực mà, không nước nào lại có một thức ăn lạ như lòng lợn của ta. Cũng là trong con lợn cả, mà mỗi bộ phận ăn ngon một cách: gan thì ngòn ngọt mà lại đăng đắng, ăn vào với rau mùi lại thấy thơm thơm; tim nhai vào trong miệng mềm cứ lừ đi; cổ hũ giòn tanh tách; lòng tràng sậm sựt; còn ruột non thì quả là đáo để, mới cắn tưởng là dai nhưng kỳ thực lại mềm, ăn vào cứ lo nó đắng thành thử đến lúc thấy nó ngọt và bùi và thì cái bùi cái ngọt ấy lại càng giá trị…” (trích trong quyển Miếng ngon Hà Nội).
Điểm rất khác biệt nữa của cách ăn cháo lòng Sài Gòn là không ăn cùng mắm tôm như ngoài Bắc mà ăn với nước chấm chua ngọt, thả vào một ít ớt bằm, gừng thái sợi ăn cũng rất chí lý. Cũng là dĩa lòng thôi, mà quán nào làm nước mắm ngon hơn là quán đó chắc chắn hút khách. Vậy nên, nước mắm chấm lòng heo cũng đáng đưa vào phát minh của ẩm thực Sài Gòn lắm chứ.
Món dồi heo ở hẻm Minh Khai cũng có hai kiểu Nam và Bắc, dồi heo kiểu Bắc có huyết, rau thơm, dồi heo kiểu Nam không có huyết mà có hai loại thịt nạc và mỡ rồi đem chiên lên, ăn rất đậm đà. Chủ quán cho biết, thực khách vào đây thường kêu dĩa lòng đầy đủ chứ không phân biệt kiểu Nam hay Bắc nữa.
Dường như có rất nhiều con hẻm ở Sài Gòn gắn liền với một món ăn đặc trưng và trở thành ký ức thân thương của nhiều người. Hẻm cháo lòng Minh Khai có tuổi đời hơn 20 năm là một ví dụ về một món ăn đã gắn bó với người Sài Gòn qua bao thăng trầm của cuộc sống, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực đất Sài thành.
P.V
Cháo lòng Minh Khai
Đầu hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, quận 01
Mở cửa: 2h chiều đến 8h-9h tối
Giá: Cháo lòng (28.000đ/tô), dĩa lòng nhỏ (35.000đ/dĩa), dĩa lòng lớn (70.000đ/dĩa)
Bình luận (0)