Đây là tỷ lệ vàng trong dân số để phát triển kinh tế - xã hội, cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Và không phải ngẫu nhiên mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh mục tiêu trong lĩnh vực dân số là “Phát huy lợi thế dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số”.
Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007, thông thường thời kỳ này kéo dài khoảng 20 - 25 năm. Nhưng theo các số liệu được công bố thì năm 2011 Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, khá sớm so với dự báo. Nên “phát huy lợi thế dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số” thực sự là một mục tiêu kép đầy thách thức.
Mặc dù các con số thống kê hằng năm đều chứng minh sự tăng tuyến tính cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số lực lượng trong độ tuổi lao động thì chất lượng lao động nước ta thấp, số người trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm 26,1% (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2021) và sẽ là một thách thức lớn trong thị trường lao động bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn, khá chậm chạp (trong 10 năm 2007 - 2017 chỉ giảm được 3%), trong suốt một thời gian dài nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ. Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%.
Về năng suất lao động, Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp của khu vực: giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,79%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 (4,27%/năm). Tuy nhiên, mức tăng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Singapore; 23,1% của Malaysia; 41,5% của Thái Lan; 55,5% của Indonesia và 62,8% của Philippines.
Thế nên mới nói, tuy Việt Nam đang có lợi thế về “số lượng dân số vàng” nhưng lại chưa “vàng” về chất lượng. Chúng ta đã đi hết 1/2 thời gian của thời kỳ dân số vàng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là một thách thức lớn nhất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.
Theo dự báo của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, năm 2038 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già và “siêu già” vào năm 2049. Với thời gian ngắn ngủi còn lại, chúng ta sẽ xoay xở thế nào với con số gần 74% lao động chưa qua đào tạo hiện nay? Làm thế nào để đẩy năng suất lao động lên ngang bằng các nước trong khu vực?
Chủ đề của Ngày Dân số Việt Nam năm nay là “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Chọn chủ đề quá đúng, bởi lẽ sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai dài hạn chủ yếu dựa vào năng suất lao động, tức là dựa vào chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số. Nhưng làm thế nào để nâng cao chất lượng dân số, tạo ra sự chuyển biến thực sự trong chất lượng nguồn nhân lực thì có lẽ chúng ta vẫn tiếp tục phải chờ đợi những kế hoạch mạch lạc hơn.
Bình luận (0)