Chất vấn nghị trường: Nên để tranh luận đi đến cùng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/11/2018 07:00 GMT+7

Hầu hết các đại biểu đều đánh giá rất cao sự đổi mới từ hình thức cho tới chất lượng của phiên chất vấn tại kỳ họp lần này, đặc biệt là với không khí tranh luận rất sổi nổi trong 3 ngày qua.

Điểm mới tại phiên chất vấn lần này là thay vì chọn một số nội dung thuộc các lĩnh vực đang “nóng” để QH chất vấn như thông lệ mà sẽ chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Vì thế, thay vì một số bộ trưởng, trưởng ngành ngồi ghế “nóng”, tất cả các thành viên Chính phủ đều có nhiệm vụ trả lời khi đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng không còn vòng vo
Đánh giá những đổi mới trong hình thức chất vấn tại kỳ họp lần này là hợp lý, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, với thời gian chỉ 1 phút để hỏi, các đại biểu phải nghiên cứu rất kỹ tài liệu, chắt lọc thông tin, nêu ra những vấn đề nóng trong thực tiễn. Đại biểu Quốc hội cũng rất tinh tế trong việc lựa chọn vấn đề, không bỏ sót bất cứ lĩnh vực nào từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh. “Khúc mắc ở đâu cũng được chỉ rõ và đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời”, ông Lượng nói đồng thời cho biết, ở phía ngược lại, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng phải xác định đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lại có góc nhìn khác. Đại biểu Phong Lan cũng nhìn nhận đổi mới trong phiên chất vấn lần này giúp tất cả các lĩnh vực đều được quan tâm và bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng phải đứng lên trả lời khi được đại biểu chất vấn; các đại biểu cũng theo câu hỏi đến tận cùng, thẳng thắn và không né tránh. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu TP.HCM việc hạn chế thời gian hỏi trong 1 phút và trả lời 3 phút khiến nhiều câu hỏi chất vấn và câu trả lời không đủ thời gian vì có rất nhiều vấn đề chất vấn rất gai góc.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, cách thức tổ chức chất vấn dàn trải trong 3 ngày, hết đại biểu này hỏi đến đại biểu kia hỏi thì các bộ trưởng, trưởng ngành rất căng thẳng vì không biết lúc nào mình bị hỏi. Bên cạnh đó, các đại biểu và cử tri, nhân dân cũng rất khó theo dõi vì đang kinh tế lại sang an sinh xã hội rồi lại nội chính. “Theo tôi, ta nên giữ hình thức này nhưng nên nhóm lại các vấn đề. Đơn giản nhất là theo lĩnh vực mà các phó thủ tướng được phân công phụ trách”, bà Lan nói.
Tranh luận nên đi đến cùng
Một ấn tượng khá rõ nét tại kỳ chất vấn lần này theo các đại biểu chính là phần tranh luận giữa các đại biểu với bộ trưởng được chất vấn và cả đại biểu với nhau từ vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo trong việc công bố dự thảo quy định đuổi học sinh viên bán dâm tới lần thứ 4 cho tới tranh luận về tỷ lệ vi phạm của cơ quan điều tra công an…
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, đổi mới của hoạt động chất vấn đã tạo ra cơ hội để các đại biểu trao đổi, tranh luận và đi đến cùng những vấn đề đặt ra. Do đó người hỏi và người trả lời đều phải hết sức thận trọng và có trách nhiệm. "Còn nếu anh không có trách nhiệm thì cử tri cả nước cũng như công luận sẽ thấy rằng, anh không làm tròn bổn phận", đại biểu Thịnh nói.
Ngay trên diễn đàn Quốc hội, trước cuộc tranh luận giữa các đại biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã thẳng thắn cho rằng, việc các đại biểu tranh luận lẫn nhau là rất tốt và bình thường và đề nghị các đại biểu khi tranh luận thì không lên gân, không quy chụp lẫn nhau vì điều đó tạo ra không khí không lành mạnh và sẽ cản trở một hoạt động hết sức dân chủ của Quốc hội.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, tranh luận trên nghị trường là rất tốt vì nó đảm bảo tính dân chủ, đảm bảo sự thông tin với dân chúng, cử tri. Tuy nhiên, theo ông Quốc, các cuộc tranh luận tại nghị trường cần phải đi đến một nhận thức chung, phải để vấn đề được giải quyết một cách triệt để, đến cùng. Bởi nếu buông lửng cho dư luận thì đôi khi sẽ có tác động không tích cực.
Các bộ trưởng, trưởng ngành phải thể hiện được bản lĩnh
Đối với phần trả lời chất vấn, hầu hết các đại biểu đều đánh giá khá cao sự chuẩn bị kỹ, nắm chắc vấn đề của của các bộ trưởng. “Tôi cho rằng các vị bộ trưởng nắm tương đối chắc vấn đề nên hầu như không có câu trả lời nào đi ra ngoài chủ đề cả”, ông Quốc nói và cho rằng, thực tế rất khó đòi hỏi vì có những vấn đề đúng là liên quan tới ngành đó nhưng điều kiện thực hiện thì không chỉ một mình ngành đó có thể quyết được. “Ít nhất chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá cao trong những cuộc chất vấn sẽ giải quyết được vấn đề vì gần như nó chỉ là tác động của dư luận để các bộ trưởng, Chính phủ quan tâm tới việc thực hiện những gì đã hứa”, ông Quốc nhìn nhận.
Nhưng qua chất vấn, ít nhất các bộ trưởng, trưởng ngành phải thể hiện được bản lĩnh, khả năng nắm bắt vấn đề và tư duy với công việc - điều mà một chính khách phải đạt được.
Dẫn ví dụ về Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định, qua phiên chất vấn, bà đánh giá Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là người nắm chắc vấn đề của ngành, tư duy mạch lạc. Theo bà Lan, công thương là lĩnh vực rộng, lại có nhiều tồn tại từ trước, và đó chính là khó khăn của Bộ trưởng.  
“Vừa rồi, có người nói với tôi liệu có công bằng không khi giáo dục, y tế luôn có nhiều khó khăn nên ai ngồi ghế bộ trưởng 2 ngành đó cũng bị phiếu tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác, khó khăn lúc nào cũng có, nhưng nếu anh quyết tâm làm thì đại biểu, cử tri sẽ ghi nhận. Chẳng hạn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chưa phải vấn đề nào cũng tốt hết, nhưng rõ ràng là nỗ lực của tư lệnh ngành công thương rất rõ rệt, những chuyển biến rất đáng kể”, bà Lan nhận định.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) thì dành sự hài lòng của mình đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vì cho rằng Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề mà các đại biểu nêu. “Bộ trưởng đã có đánh giá thực trạng, nêu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp rõ ràng cho từng nội dung, qua đó làm thoả mãn các đại biểu”, bà nói. Bên cạnh đó, bà Hằng cũng đặc biệt ấn tượng với phần điều hành hài hoà, linh hoạt, hợp lý các vấn đề của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên chất vấn 3 ngày qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.