Châu Á chạy đua cạnh tranh chiêu mộ nhân tài

06/10/2022 16:48 GMT+7

Sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19 , nhiều nước châu Á đang tìm cách chiêu mộ chuyên gia nước ngoài đến làm việc và đầu tư để khôi phục kinh tế, trong đó cách được nhiều nước sử dụng nhất là tăng thời gian thị thực

Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, Singapore đã đóng cửa biên giới. Đây là đòn giáng mạnh đối với một trung tâm du lịch và một nam châm thu hút lao động nước ngoài, theo tờ Nikkei Asia.

Do số lượng lớn công dân nước ngoài rời đi và việc nhập cảnh bị gián đoạn, tháng 6.2021, dân số Singapore đã giảm 4,1% xuống còn 5,45 triệu người.

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất được công bố vào ngày 27.9 cho thấy sự thay đổi gần như nhanh chóng, nhờ vào việc chính phủ dỡ bỏ dần các hạn chế. Dân số tăng trở lại 3,4%, lên 5,63 triệu người, phần lớn là do công nhân trong các lĩnh vực như xây dựng và đóng tàu đã quay lại Singapore.

Điều này có được là vì Singapore đang nỗ lực thu hút thêm nhiều chuyên gia có tay nghề cao có chuyên môn và ý tưởng đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19.

Chính sách thu hút nhân tài của Singapore

Chính phủ Singapore đã công bố một loại thị thực mới được thiết kế để thu hút chuyên gia từ nước ngoài. Thị thực mới nhất của Singapore được gọi là Thẻ thông hành dành cho người nước ngoài có chuyên môn (ONE Pass).

Theo đó, loại thị thực này được cấp cho những người có thu nhập ít nhất 20.800 USD/tháng (497 triệu đồng/tháng). Những người có thị thực này sẽ được ở lại Singapore ít nhất 5 năm và làm việc tại nhiều tổ chức. ONE Pass đã nhận được nhiều sự quan tâm đánh giá cao.

Châu Á chạy đua cạnh tranh chiêu mộ nhân tài - Ảnh 1.

Đường phố Singapore đông đúc sau dịch Covid-19

Reuters


Ông Kei Shibata, một doanh nhân Nhật điều hành một công ty khởi nghiệp du lịch ở Singapore, cho biết ông quan tâm thị thực mới, vì nó cung cấp thời gian lưu trú lâu hơn so với các chương trình hiện có và cho phép người sở hữu làm việc tại nhiều công ty.

Ông nói với Nikkei Asia: “Về mặt thành lập và phát triển doanh nghiệp ở đây, sẽ rất tốt nếu có thị thực trong khoảng 5 năm”.

Ông Magnus Grimeland, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Antler, một công ty đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Singapore cũng bày tỏ sự lạc quan: "Đó là một kế hoạch thực sự tốt. Siêu thông minh”.

Ông Grimeland cho biết khoảng 60% những người sáng lập mà công ty của ông hỗ trợ ở Singapore đã thành lập doanh nghiệp của họ bằng cách sử dụng EntrePass, một loại thị thực riêng cho các doanh nhân.

Tuy nhiên, theo ông, ONE Pass linh hoạt hơn các chương trình hiện có. EntrePass không có mức lương tối thiểu nhưng chỉ có lợi cho công dân nước ngoài trong năm đầu tiên. Một thị thực khác là Thẻ việc làm (EP) thường được cấp từ 2-3 năm và gắn với một công việc cụ thể.

Ông nói: “Việc chuyển đến Singapore với gia đình thường chỉ có thể được đảm bảo trong khoảng 2 năm, vì vậy, thời hạn 5 năm sẽ giúp họ cảm thấy an tâm hơn”.

Cuộc đua tranh giành nhân tài

Singapore không phải là nơi duy nhất muốn thu hút người tài. Từ Thái Lan đến Malaysia, một cuộc cạnh tranh đang nóng lên để thu hút những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất và lấp đầy khoảng trống nhân sự.

Thái Lan bắt đầu nhận đơn xin thị thực mới vào ngày 1.9 cho phép các chuyên gia toàn cầu ở lại nước này trong 10 năm. Chính phủ hy vọng sẽ thu hút 1 triệu công dân nước ngoài với thị thực Cư trú dài hạn (LTR), được thiết kế cho những người có kỹ năng trong các lĩnh vực hàng đầu như xe điện, công nghệ sinh học và quốc phòng.

Thái Lan là nước theo định hướng du lịch, giống như Singapore, đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Cả hai đều có dân số già. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 của Thái Lan ở mức 2,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến 5,4% của Indonesia, 6% của Malaysia và 6,5% của Việt Nam.

Ông Koji Sako - Phó giáo sư tại ĐH Quốc tế Josai (Nhật) và là một nhà kinh tế kỳ cựu, nhận định chiến lược đằng sau thị thực mới của Thái Lan thu hút các chuyên gia trong các lĩnh vực có thể sẽ là ngành công nghiệp chính trong tương lai.

Malaysia cũng đang thu hút các nhà đầu tư thông qua Chương trình Thị thực Đặc biệt. Bắt đầu nhận đơn đăng ký vào ngày 8.10, chương trình này cho phép những người có thể đầu tư 1 triệu ringgit (khoảng 5,1 tỉ đồng) và có thu nhập mỗi năm từ nước ngoài khoảng 100.000 USD có thể ở lại Malaysia trong tối đa 20 năm. Trong thời gian đó, họ có thể đầu tư, điều hành doanh nghiệp và làm việc.

Nhật đang gấp rút bắt kịp các quốc gia châu Á khác. Nước này đang lên kế hoạch mở rộng các chương trình riêng cho lao động nước ngoài có năng lực.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, trong bài phát biểu ngày 17.9, đã thừa nhận rằng Nhật đang "tụt hậu" so với các nước trong cạnh tranh về nguồn nhân lực, và nước này cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

"Hiện chúng ta đang bước vào kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu về nguồn nhân lực, trong đó các quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh để thu hút nhân tài tốt nhất từ nước ngoài", Thủ tướng Fumio Kishida nói với các phóng viên hôm 17.9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.