Châu Âu cho tàu vũ trụ đâm vào sao chổi ?

07/06/2015 08:15 GMT+7

(TNO) Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa đề xuất sẽ cho tàu vũ trụ Rosetta lao vào bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Khi đó sẽ có 2 kịch bản xảy ra, hoặc nó sẽ hạ cánh và gửi về những bức ảnh chưa từng có về sao chổi, hoặc sẽ nổ tung.

(TNO) Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa đề xuất sẽ cho tàu vũ trụ Rosetta lao vào bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Khi đó sẽ có 2 kịch bản xảy ra, hoặc nó sẽ hạ cánh và gửi về những bức ảnh chưa từng có về sao chổi, hoặc sẽ nổ tung, theo Daily Mail.

Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko - Ảnh chụp màn hình ESA
Tàu vũ trụ Rosetta sẽ bước vào giai đoạn quan trọng nhất của sứ mệnh thăm dò không gian vào ngày 13.8, khi sao chổi bay gần mặt trời. Rosetta sẽ hoạt động hết khả năng để quan sát 67P. Đến tháng 9.2016, tàu vũ trụ sẽ cạn nhiên liệu và ngừng hoạt động.
Theo kế hoạch, sứ mệnh thăm dò sẽ kết thúc vào tháng 12.2016 và Rosetta sẽ trôi đi vô định trong không gian. Tuy nhiên, tiến sĩ Matt Taylor, người phụ trách dự án Rosetta vừa đưa ra một đề xuất táo bạo.
Ông đề xuất nên cho tàu thăm do lao vào bề mặt sao chổi. Hiện nay chỉ có cách đó là khả thi nhất để giúp các khoa học quan sát được sao chổi ở khoảng cách gần, tiến sĩ Taylor nói.
Tháng 11.2014, Rosetta từng thả xuống sao chổi 67P tàu vũ trụ đổ bộ Philae. Tuy nhiên, Philae sau đó đã ngưng hoạt động và đi vào trạng thái ngủ đông. Các nhà khoa học đã nhiều lần kích hoạt lại nhưng bất thành, theo Daily Mail.
Tàu thăm dò vũ trụ Rosetta - Ảnh chụp màn hình ESA
Tàu Rosetta không được thiết kế để đổ bộ nhưng nó có thể hạ cánh nhẹ nhàng xuống sao chổi. Nếu thành công, tàu có thể nghiên cứu bề mặt sao chổi và gửi về Trái đất những hình ảnh quý giá mà con người chưa từng có, tiến sĩ Taylor cho biết.
Tháng 4.2015, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) từng cho tàu thăm dò Messenger đâm vào sao Thủy. Khi chạm bề mặt hành tinh, Messenger di chuyển với vận tốc 14.000 km/giờ, tạo ra một miệng núi lửa rộng khoảng 15 m. Các kính thiên văn trên Trái đất không quan sát được vụ va chạm vì nó xảy ra ở mặt kia sao Thủy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.