Tàu thăm dò Rosalind Franklin |
esa |
Vào ngày cuối cùng (17.3) của cuộc họp ở Paris (Pháp), Hội đồng ESA bỏ phiếu với kết quả nhất trí ngừng hợp tác với Nga về sứ mệnh ExoMars.
Trang Space.com dẫn lời Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher cho hay tình hình hiện tại không cho phép cơ quan không gian châu Âu tiếp tục hợp tác với Nga.
Bên cạnh đó, ESA ra thông cáo thừa nhận quyết định ngừng hợp tác với Nga gây ảnh hưởng cho nỗ lực thám hiểm không gian của châu Âu. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ tuân thủ đầy đủ các lệnh cấm vận do các nước thành viên đang áp dụng đối với chính quyền Moscow.
Vào ngày 28.2, tức 4 ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ESA cảnh báo “ít có khả năng” cơ quan này sẽ xúc tiến vụ phóng lẽ ra vào cuối tháng 9 tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vì các lệnh cấm vận đối với Nga.
“Đó quả là sự thất vọng cho những người tham gia dự án”, ông David Parker, Giám đốc về Thám hiểm do robot và người thực hiện. ESA đã theo đuổi sứ mệnh ExoMars từ năm 2001.
Bên cạnh việc gác lại vụ phóng vào tháng 9, ESA cần phải có kế hoạch mới, và không dừng lại ở việc thay thế tên lửa Proton của Nga. Cơ quan này buộc phải thay thế Kazachok, bộ phận sẽ mang theo tàu thăm dò Rosalind Franklin đáp xuống bề mặt sao Hỏa, do Nga sản xuất. Bản thân tàu thăm dò cũng sử dụng các thiết bị và những bộ phận sưởi của Nga.
Hội đồng ESA chỉ đạo ông Aschbacher lập tức triển khai phương án nhằm tìm kiếm đối tác mới để đưa tàu thăm dò lên bề mặt hành tinh đỏ. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) có thể là sự lựa chọn tiềm năng cho sứ mệnh này.
Trong trường hợp ESA khôi phục lại quan hệ với Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos), ông Parker hy vọng có thể dời ngày phóng sớm nhất là đến năm 2024.
Bình luận (0)