Châu Âu 'run sợ' giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

15/03/2021 14:32 GMT+7

Khi cuộc đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng lên, "chủ quyền công nghệ" là điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu quan tâm hàng đầu.

Theo CNBC, châu Âu đã vuột mất những công ty công nghệ quan trọng vào tay Mỹ và Trung Quốc trong thập kỷ qua. Phòng thí nghiệm DeepMind ở London (Anh) được bán cho Google năm 2014 với giá khoảng 600 triệu USD. Hãng thiết kế chip Arm cũng được SoftBank của Nhật mua lại năm 2016, và hiện giờ SoftBank đang thương lượng trao Arm cho "gã khổng lồ" Nvidia của Mỹ với giá dự tính là 40 tỉ USD.
Ở những khu vực khác của châu Âu, Apple đã thâu tóm một phần công ty chip Dialog Semiconductor tại Đức với giá 600 triệu USD. PayPal cũng chi 2,2 tỉ USD mua lại công ty khởi nghiệp iZettle của Thụy Điển.

Chiến tranh thương mại căng thẳng, Mỹ lo ngại Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới cạnh tranh sản xuất chất bán dẫn và xây dựng hệ thống mạng viễn thông, châu Âu đang dần tụt lại trên đường đua. Thierry Breton - ủy viên phụ trách thị trường nội địa của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố vào tháng 7 năm ngoái: "Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu không chỉ là người ngoài cuộc và sẽ không trở thành chiến trường [cho cuộc chiến này]. Đã đến lúc tự nắm lấy vận mệnh của mình, đồng nghĩa với việc xác định và đầu tư vào các công nghệ giúp củng cố chủ quyền và tương lai công nghiệp của chúng ta". 
Kể từ bài phát biểu của Breton, châu Âu đã công bố kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào chip bán dẫn và cơ sở hạ tầng viễn thông mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển ở những lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI) và xe tự lái. 
Abishur Prakash - chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai có trụ sở tại Toronto (Canada) nói với CNBC qua email: “Các quốc gia lo rằng công nghệ sẽ cho phép cường quốc nước ngoài thống trị họ theo nhiều cách. Vì vậy chính phủ đang nhìn công nghệ dưới một lăng kính mới".
Viện Fraunhofer của Đức định nghĩa "chủ quyền công nghệ" là khả năng một quốc gia có thể "cung cấp các công nghệ quan trọng đối với phúc lợi, tính cạnh tranh và khả năng hành động của quốc gia đó, đồng thời có thể phát triển hoặc lấy công nghệ từ những khu vực kinh tế khác mà không cần phụ thuộc một chiều".

Tổng thống Mỹ muốn loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chip bán dẫn

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu nói với CNBC: “Tăng cường chủ quyền công nghệ của châu Âu là một thành phần quan trọng trong chiến lược kỹ thuật số của chúng tôi. Châu Âu có thể đóng một vai trò hàng đầu về công nghệ trên sân chơi thế giới."
Người này cho biết: “Chủ quyền công nghệ của châu Âu dựa trên ba trụ cột: sức mạnh máy tính, quyền kiểm soát dữ liệu của người dân châu Âu, kết nối an toàn. Để đạt được mục tiêu này, cần phải tăng cường khả năng thiết kế và sản xuất các bộ vi xử lý mạnh nhất, tạo ra điện toán đám mây đảm bảo an toàn dữ liệu, chính phủ, công ty và người dân cần có quyền truy cập vào các mạng băng thông tốc độ cao và an toàn". 
Dù chip được sử dụng để cung cấp năng lượng cho ô tô, điện thoại, máy tính hiệu suất cao, hệ thống phòng thủ và AI, nhưng lượng chip ở châu Âu chỉ chiếm chưa đến 10% sản lượng toàn cầu dù con số này đã tăng so với mức 6% từ 5 năm trước. Ủy ban châu Âu muốn tăng con số đó lên 20% và đang tìm cách đầu tư 20 - 30 tỉ euro (tương đương 24 - 36 tỉ USD) để biến mục tiêu thành hiện thực.
Ủy ban châu Âu muốn 100% dân số có thể truy cập tốc độ tải xuống 1 gigabit/giây. Tốc độ trung bình hiện ở mức dưới 100 megabit/giây, do đó các chính phủ bắt đầu chuẩn bị triển khai 6G và xem xét sử dụng vệ tinh truyền internet trên khắp lục địa. Bên cạnh đó, châu Âu cũng có ý định chế tạo máy tính lượng tử đầu tiên trong 5 năm tới.
Breton và Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager đã đưa các mục tiêu vào kế hoạch “La bàn kỹ thuật số 2030” gần đây. Kế hoạch được lập ra để chuyển các tham vọng công nghệ của EU cho đến năm 2030 thành “các điều khoản cụ thể”.
Theo Ủy ban châu Âu, chủ quyền công nghệ sẽ giúp khu vực này bảo vệ các lợi ích chiến lược, khẳng định giá trị của mình, cụ thể là bảo vệ các công ty châu Âu khỏi những thương vụ mua lại "đôi khi có động cơ chính trị" từ công ty nước ngoài.
Dù vậy, chuyên gia Abishur Prakash của Trung tâm Đổi mới Tương lai cho rằng thế giới sẽ càng chia rẽ hơn khi các quốc gia chạy theo chủ quyền công nghệ. Ông nêu quan điểm: "Khi nhiều chính phủ dùng công nghệ để khẳng định lại quyền kiểm soát, họ cũng sẽ hạn chế mối quan hệ với phần còn lại của thế giới", dẫn đến tình trạng "các quốc gia hành động chống lại nhau, khiến thế giới càng trở nên phân mảnh hơn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.