Châu Âu sẽ chống trả thuế ô tô của Mỹ bằng cách nào?

28/06/2018 10:46 GMT+7

Việc Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế 20% đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu sẽ khiến căng thẳng thương mại leo thang đáng kể và tạo ra phản ứng nhanh chóng từ Liên minh châu Âu (EU).

“Nếu thuế suất và rào cản của EU không sớm được loại bỏ, chúng tôi sẽ áp thuế 20% cho tất cả ô tô của họ xuất khẩu sang Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter.
Các nhà phân tích cho rằng, EU sẽ sẵn sàng phản công nếu Mỹ thực hiện lời cảnh báo trên.
“Ô tô là một vấn đề lớn nhiều so với thép. Ngay lúc này, có lẽ quan chức EU đã xem xét số liệu thống kê của họ để tìm ra cách trả đũa thuế quan của Mỹ nhắm vào ô tô châu Âu”, David Henig, cựu chuyên gia đàm phán thương mại của Anh, nói.
Theo CNN, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho ngành công nghiệp xương sống của châu Âu, với khoảng 38 tỉ euro (khoảng 44 tỉ USD) giá trị ô tô được vận chuyển mỗi năm từ EU sang Mỹ. Theo nhận định từ các nhà phân tích, EU có khả năng sẽ hành động theo cùng một kịch bản mà họ đã sử dụng sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu nhôm, thép.
Đề nghị đàm phán trong khi chuẩn bị trả đũa
Với quy mô thương mại bị đe dọa và thiệt hại tiềm tàng cho các công ty ô tô châu Âu, EU có thể sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra thỏa thuận với ông Trump.
“Họ sẽ cố gắng đưa ra các khoản trao đổi”, ông Henig cho hay.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump có khả năng sẽ không sẵn lòng đón nhận, vì trước đó một quan chức thương mại hàng đầu của châu Âu cho biết bà đã đề nghị sẽ dỡ bỏ 10% thuế ô tô của EU trong khi đàm phán về thuế nhập khẩu kim loại, nhưng Mỹ đã từ chối.
Song, cùng lúc EU cũng sẽ tiến hành hoàn thành một danh sách các sản phẩm Mỹ nằm trong tầm ngắm đánh thuế. Danh sách đó có khả năng bao gồm hóa chất, hàng không vũ trụ và các sản phẩm nông nghiệp.
[VIDEO] Tổng thống Donald Trump dọa tăng thuế lên hãng xe Harley-Davidson nếu sản xuất ngoài nước Mỹ
Nhắm mục tiêu vào thương hiệu hàng đầu và nông dân
EU sẽ chọn mục tiêu từ các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ đạt khoảng 256 tỉ euro (khoảng 299 tỉ USD) mỗi năm.
“Mục tiêu sẽ là sự kết hợp của những thương hiệu Mỹ mang tính biểu tượng và các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm về mặt chính trị”, Gregor Irwin, chuyên gia kinh tế trưởng tại Global Counsel, nói.
Theo ông Ross Denton, chuyên gia thương mại và là đối tác tại công ty luật Baker McKenzie, Boeing có thể phải đối mặt với thuế mới vì hãng này là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu.
EU cũng sẽ cố gắng hạn chế thiệt hại cho các công ty và người tiêu dùng của mình bằng cách theo đuổi biện pháp phản ứng tương ứng. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ không dễ dàng vì quy mô của hình phạt thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu có sự kết nối với nhau.
Ví dụ, các hãng sản xuất ô tô châu Âu như Volkswagen và BMW có các nhà máy lớn ở Mỹ và họ sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới của EU nếu xuất khẩu xe ngược lại từ Mỹ sang châu Âu.
“Vấn đề EU sẽ phải đối mặt là họ sẽ không có đối tượng riêng biệt để trả đũa”, ông Denton cảnh báo.
Làm theo luật
Giới quan chức EU có khả năng sẽ thách thức tính hợp pháp của bất kỳ thuế quan nào mà Mỹ áp đặt lên ô tô nhập khẩu. Họ đã đệ đơn khiếu nại về thuế kim loại của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Mỹ đã tìm cách sử dụng mối đe dọa của các hạn chế thương mại như đòn bẩy để có được sự nhượng bộ từ EU. Đây không phải là các chúng tôi làm kinh doanh, và chắc chắn không phải cách chúng tôi làm với các đối tác lâu năm, bạn bè và đồng minh”, Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström nói hồi tháng trước.
Ông Henig cho rằng chi phí kinh tế của các mức thuế trả đũa và nguy cơ thương mại leo thang hơn nữa có thể là yếu tố buộc EU phải cân nhắc phản ứng của mình.
“EU sẽ không muốn làm bất cứ điều gì thực sự gây thiệt hại cho nền kinh tế và công nghiệp. Phản ứng của họ có thể chỉ là một điều gì đó mang tính biểu tượng và không tạo ra một vấn đề lớn”, ông Henig nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.