Châu Âu tính toán gì trước nguy cơ mất nguồn cung khí đốt từ Nga?

19/07/2022 09:46 GMT+7

Hôm 13.7, Bloomberg đưa tin Liên minh châu Âu (EU ) đang chuẩn bị hàng loạt biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu tác động của việc ngưng phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga.

Trong số các biện pháp đang được xem xét có tăng dự trữ, hướng nguồn cung vào các ngành công nghiệp chủ chốt và đặt hạn chế đối với việc sử dụng công cộng. Các động thái này được ghi lại trong một tài liệu dự thảo mà Bloomberg được tiếp cận. Tài liệu này kêu gọi "sớm có động thái chung ở cấp độ EU" để giải quyết nỗi lo ngại rằng Nga có thể đột ngột cắt nguồn cung khí đốt đến châu Âu.

Theo Bloomberg, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh trong tài liệu này rằng: "Hành động ngay bây giờ có thể giảm 1/3 tác động của việc nguồn cung bị cắt đứt đột ngột". Tài liệu này vẫn có thể thay đổi trước khi được thông qua vào tuần tới.

Ngoài ra cũng theo tài liệu này, nguồn khí đốt từ Nga đến châu Âu hiện đã thấp hơn 30% so với mức trung bình từ 2016-2021. Nếu Nga chặn nguồn cung, EU muốn dự trữ khí đốt ở mức 80%.

Gazprom tuyên bố tình huống bất khả kháng, không thể đảm bảo khí đốt cho châu Âu

Theo kế hoạch của EU, nếu nguồn cung bị cắt đứt, các quốc gia trong khối được khuyến nghị ưu tiên chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp chủ chốt, đồng thời giảm sử dụng thông qua "các biện pháp thị trường", trong đó có đấu giá hoặc qua các hệ thống đấu thầu, mà cũng sẽ làm tăng giá.

Theo Bloomberg, người tiêu dùng sẽ được tác động bằng các chiến dịch thông tin thúc giục họ giảm hệ thống sưởi trong nhà - như đã xuất hiện ở một số quốc gia - và sẽ có các giới hạn bắt buộc đối với việc sử dụng khí đốt của họ "trong mức độ khủng hoảng gây báo động".

Sau khi EU cấm vận Nga, nguồn cung khí đốt đến nhiều thành viên khối đã bị ảnh hưởng vì nhiều lý do. Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan đã từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp Nga theo quy định mới hồi tháng 4, và vì vậy nguồn cung của họ đã bị Gazprom cắt.

Hồi đầu tháng 7, Đức đã tạm thời giảm lượng khí đốt từ Nga khi Gazprom không thể nhận lại một tuabin đã sửa chữa từ Canada vì vướng các lệnh cấm vận. Sau đó Berlin đã phải đàm phán để đổi lấy lệnh miễn trừ.

Đức cũng tự xác định sẽ gặp khó khăn về nguồn cung khí đốt của nước này khi ngừng dự án đường ống Nord Stream 2 chỉ vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đức có thể tiếp tục gặp khó khăn về khí đốt khi Gazprom đã đóng đường dẫn Nord Stream 1 hôm 11.7 để bảo trì trong vòng 10 ngày.

Đức tiết lộ thời điểm tự cắt đứt phụ thuộc vào năng lượng Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.