Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội trong ngày 28 - 29.5, hình ảnh đàn châu chấu "lạ" xuất hiện tại khuôn viên Trường tiểu học Thiện Hòa, H.Gia Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Từ hình ảnh được chia sẻ, đàn châu chấu bu kín trên bờ tường, bám trên xe ô tô, thậm chí bò lổm ngổm trên đường bê tông là hiện tượng lạ, lần đầu tiên xuất hiện ở địa phương này.
Chia sẻ sau khi trực tiếp xem những hình ảnh do phóng viên Thanh Niên cung cấp, ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), xác nhận đây là giống châu chấu tre lưng vàng, đang xuất hiện ở nhiều khu vực các tỉnh miền núi phía bắc.
“Sởn da gà” đàn châu chấu tràn vào trường học ở Lạng Sơn
Theo báo cáo từ các địa phương: Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã ghi nhận các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng, trong đó có nơi mật độ lên tới hàng nghìn con trên 1m2.
Châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận bùng phát lần đầu tiên ở Lào, đến nay đã có ở nhiều vùng Đông Nam Á. Thông thường, châu chấu tre lưng vàng chỉ cắn phá, gây thiệt hại trên cây tre, luồng, vầu, ngô và ghi nhận xuất hiện với mật độ ít trên cây lúa.
Cũng theo ông Bùi Xuân Phong, hình ảnh chụp được tại Lạng Sơn cho thấy, châu chấu tre lưng vàng này mới nở, còn non, chưa mọc đủ cánh để bay đi xa nên mật độ tập trung lớn.
Đối với châu chấu di cư từ Lào, Trung Quốc sang Việt Nam, Việt Nam đang phối hợp với các nước tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình châu chấu phát sinh và gây hại; phối hợp kiểm soát giảm tình trạng châu chấu di cư xuyên biên giới. Các đồn biên phòng trực tiếp tham gia giám sát để phát hiện sớm nhất châu chấu di cư vào Việt Nam.
Ngoài ra, các địa phương đang sử dụng các thiết bị định vị toàn cầu (GPS) và phần mềm đánh dấu các điểm châu chấu xuất hiện hoặc châu chấu đẻ trứng để khoanh vùng, tập trung tổ chức phòng trừ.
Cũng theo ông Bùi Xuân Phong, để diệt trừ châu chấu tre lưng vàng, các địa phương có thể áp dụng 2 biện phòng phòng trừ.
Thứ nhất là biện pháp sinh học, nếu mật độ châu chấu thấp có thể dùng côn trùng động vật như gà, vịt, chim, ếch nhái, các loài bò sát… để tiêu diệt.
Thứ hai là sử dụng các chế phẩm sinh học phòng, chống châu chấu như: chế phẩm từ nấm gây bệnh cho côn trùng như Metarhizium anisopliae, chế phẩm từ tuyến trùng, nguyên sinh động vật (Nosema locustae), chế phẩm virus gây bệnh cho côn trùng như Nucleo Polyhedrosis Virus (NPV).
Trong trường hợp châu chấu phát sinh thành ổ dịch với mật độ cao thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học phun ngay từ khi châu chấu mới nở.
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam hiện nay đã có hoạt chất như: Cypermethrin, Fenobucarb, Emamectin benzoate, Lufenuron, Imidacloprid, Thiosultap-sodium (Nereistoxin)... để phòng trừ châu chấu.
Bình luận (0)