Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Cháu nội đích tôn học lỏm từ… 'nữ hoàng'

18/06/2024 18:25 GMT+7

Khi còn bé, tôi đã may mắn ở gần bà nội nên được bà tận tụy chăm sóc và dạy dỗ. Bà dạy tôi nhiều thứ lắm. Có nhiều điều tôi cũng học lỏm được từ bà, đặc biệt là thói quen dè sẻn từng đồng, mà theo bà "lúc khi lành, để dành khi đau".

Nghe đến hai từ "tiết kiệm", hẳn mọi người thường nghĩ ngay đến tiết kiệm tiền, nhưng bà cháu tôi lại thích tiết kiệm tiền theo một hình thức khác, đó chính là sử dụng điện không lãng phí.

Cháu nội đích tôn học lỏm từ… 'nữ hoàng'- Ảnh 1.

Học từ bà nội, trời nóng quá tôi chuẩn bị một thau nước, bật quạt hướng vào đó cho hơi nước bốc lên

TGCC

Trong nhà, bất cứ vật dụng nào có dùng điện mà thấy không cần thiết, bà thường tự tay tắt công tắc điện hoặc bảo tôi tắt bớt. Đèn và quạt máy là hai vật dụng tôi thường được bà nhắc nhở nhiều nhất. Nhà trước có hai cái đèn huỳnh quang thì bà bảo chỉ cần bật một bóng cho sáng nhà là được. Quạt thì khi nào trời nóng lắm mới sử dụng. Nếu sợ muỗi chích, bà xông muỗi bằng vỏ bưởi, vỏ cam hoặc đốt nhang muỗi. Đối với bà, tiết kiệm được chừng nào hay chừng nấy. Bà luôn nhắc nhở tôi câu mà ngành điện ai cũng thuộc nằm lòng: "Tắt khi không sử dụng".

Ở với bà nội, tôi tập được thói quen ngủ không cần đèn. Cứ tới giờ lên giường thì tắt hết các thiết bị điện xung quanh. Bà thường nói: "Đã nhắm mắt say giấc nồng rồi, còn thấy gì nữa đâu mà phải bật đèn". Tôi thấy bà nói rất đúng và cứ thế tình nguyện làm theo.

Giường ngủ của bà đặt gần cửa sổ để khi về khuya, bà không phải bật đèn hay máy quạt vì đã có ánh sáng của trăng sao và gió trời ùa vào. Bà thích gió trời lắm, nó mát hơn gió từ chiếc quạt máy mang lại. Khi trời lặng gió thì bà lấy quạt mo ra phe phẩy. Tôi cũng tập vậy giống nội, ngủ gần cửa sổ và mở toang ra đón không khí. Những đêm trăng sáng vừa được thỏa sức ngắm trăng, vừa được thêm gió trời thiên nhiên quạt mát thì không có gì sướng bằng.

Thời gian trôi qua. Cuộc sống trở nên hiện đại hơn. Nhà bắt đầu có thêm nhiều thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt, ti vi thông minh, điện thoại di động…, nhưng thói quen tiết kiệm điện của bà nội tôi vẫn không hề thay đổi. Nhiều lúc thấy thương bà lắm vì có máy giặt rồi mà vẫn hay vò đồ bằng tay. Bà con hàng xóm lắp điều hòa phả phà phà, còn nội thì từ chối vì nó hao điện lắm. Nhà có máy bơm nước tưới cây mà đôi lúc thấy không cần thiết, nội lại múc nước dưới mương cho vào thùng xách đem đi tưới.

Cả đời nội sống tằn tiện không vì bản thân mình mà vì con, vì cháu. Nội thương các cô tôi phải đi làm ăn xa chắt chiu từng đồng gửi về. Bà không thể để số tiền kiếm được từ mồ hôi công sức của các con mình chi trả cho sự hoang phí.

Cháu nội đích tôn học lỏm từ… 'nữ hoàng'- Ảnh 2.

Chiếc quạt tay “thần kỳ”, vật bất ly thân của bà nội tôi mùa hè

Bà nội tôi là thế. Các cháu trong nhà cứ tôn vinh nội là… nữ hoàng. Dù người ngoài hay nói nội "trùm sò" thì cũng kệ, còn trong nhà tôi, nội luôn xứng danh "nữ hoàng tiết kiệm điện" của con cháu. Nhờ mọi người cùng hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm giống bà mà hằng tháng, chi phí hóa đơn thanh toán tiền điện trong các gia đình không quá cao, chưa bao giờ vượt quá mức 500.000 đồng, có tháng chỉ trên dưới 100.000 đồng mà thôi.

Khi xa nhà, lên TP.HCM sinh sống, tôi mới càng nhận ra rằng, tiền điện phải trả là một điều vô cùng nan giải. Chi phí phải thanh toán cho tiền điện ở thành phố đắt đỏ hơn ở dưới quê. Thêm nữa trời nắng nóng như lửa đốt, vậy là bật điều hòa cho mát thì tiền điện lại tăng, sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép lại phải trả thêm tiền giá cao hơn. Rồi thêm máy tính, điện thoại di động, ấm đun siêu tốc, bếp điện. Càng hiện đại lại càng hại điện. Tự dưng lúc đó tôi lại nhớ về những lời dặn dò tắt bớt các thiết bị điện khi không cần thiết từ nội.

Tôi nhất quyết không bật điều hòa. Tôi sẽ mở cửa sổ phòng ra cho thoáng khí. Nếu trời nóng quá tôi chuẩn bị một thau nước, bật quạt hướng vào đó cho hơi nước bốc lên. Lúc ấy căn phòng sẽ mát rượi.

Ở với nội bao nhiêu năm thì tôi cũng học được thói quen tiết kiệm điện từ bà. Và đó là thói quen vô cùng tốt, cần phải có "sao nối ngôi" của nữ hoàng đó chính là tôi, đứa cháu đích tôn mà nội luôn thương quý.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, nhận bài dự thi đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ cuộc thi được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.