Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

'Gái có công, chồng chẳng phụ'

ÁNH NGỌC
(TP.HCM)
11/06/2024 15:02 GMT+7

Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, việc tích hợp các thiết bị thông minh vào ngôi nhà riêng ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn.

Hiện tại gia đình tôi đang quản lý các thiết bị chiếu sáng và camera an ninh trên ứng dụng Tapo, có thể tắt/bật đèn tự động, điều chỉnh màu sắc và cường độ chiếu sáng theo lịch hẹn sẵn.

Chồng tôi là kỹ sư công nghệ thông tin nên thích tìm hiểu về các thiết bị máy móc, công nghệ phục vụ cho công việc cũng như đời sống hằng ngày. Vì thương vợ vất vả với con nhỏ, tổ ấm của chúng tôi được anh thiết kế khá tiện nghi nhưng tối giản. Cả hai chúng tôi đều mong muốn thực hành lối sống xanh, tránh lãng phí điện nước để hạn chế tác động đến môi trường.

'Gái có công, chồng chẳng phụ'- Ảnh 1.

Gia đình tôi quản lý thiết bị chiếu sáng và camera an ninh trên ứng dụng được cài đặt tự động

ẢNH: TGCC

Khi có người ở nhà, camera an ninh sẽ được chuyển từ chế độ làm việc sang chế độ nghỉ ngơi giúp tăng tuổi thọ sử dụng và giảm thiểu điện năng tiêu thụ. Chính nhờ việc bật/tắt thiết bị đúng lúc mà chúng tôi tiết kiệm khoản tiền điện không nhỏ mỗi tháng.

Mùa nóng, thiết bị ngốn tiền điện của mọi nhà nhiều nhất chính là máy lạnh. Hôm trước bạn tôi than thở chung cư bạn cúp điện nóng không ngủ được, cả nhà phải rồng rắn kéo nhau ra khách sạn thuê phòng để ngủ. Nhà tôi thì ít sử dụng máy lạnh. Chúng tôi mở cửa sổ cho thông thoáng, dùng quạt hẹn giờ tự động tắt vào lúc 5 giờ sáng. Chỉ hôm nào trời thật sự oi ả, nhà tôi mới sử dụng máy lạnh hẹn giờ chỉ để tạo mát cho căn phòng. Vì không phụ thuộc vào máy lạnh nên mỗi sáng khi thức dậy, cả nhà tôi đều thoải mái tinh thần và tràn trề năng lượng để bắt đầu ngày mới.

Là hậu phương luôn chăm lo bữa ăn cho cả gia đình, tôi luôn mong muốn làm sao có thể nấu những bữa ăn ngon lành, dinh dưỡng và tiết kiệm. Nồi cơm điện nhà tôi có chức năng hấp hẹn giờ nên thay vì luộc rau củ, tôi kết hợp việc nấu cơm và lót luôn xửng hấp vừa hạn chế tiêu hao điện, vừa tiết kiệm thời gian chế biến. Hôm nào có món canh xương, tôi dùng nồi ủ qua đêm giúp mềm xương mà không cần hầm nhiều tiếng. Bếp điện từ có 6 chế độ ninh/hấp/đun sôi/chiên/xào/lẩu và có chức năng hẹn giờ, nên tiết kiệm điện năng tiêu thụ và công sức của tôi rất nhiều. Bật bếp, tôi chọn chế độ và hẹn giờ chờ thức ăn chín. Trong khi chờ, tôi lại có thời gian nghỉ ngơi, nhàn rỗi cho bản thân, giúp năng lượng được phục hồi và bếp lửa yêu thương trong nhà được giữ ấm mỗi ngày.

TP.HCM đang bước vào mùa mưa, quần áo lâu khô hơn so với mùa nắng, nhờ nhà tôi có sân thượng rộng rãi nên cũng thông thoáng cho việc phơi quần áo. Ngoài ra, tôi dùng máy giặt có ứng dụng quản lý chu trình giặt, hẹn giờ nên khá tiết kiệm điện nước. Tùy theo từng loại vết bẩn và chất liệu vải, máy giặt sẽ được tạo một chu trình giặt phù hợp như giặt nhanh, giặt hơi nước khử khuẩn hay giặt chậm. Khi chu trình hoàn tất, điện thoại tôi sẽ nhận được thông báo nhắc nhở, tránh tình trạng quên đồ khi giặt làm quần áo có mùi khó chịu.

Nhờ những ứng dụng hiện đại gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh mà cả gia đình tôi thực hành tiết kiệm điện rất nhẹ nhàng, hiệu quả. "Gái có công, chồng chẳng phụ", tôi cảm thấy thật may mắn vì có người bạn đời vô cùng yêu thương, đồng lòng chung tay hướng đến bảo vệ môi trường bằng những việc làm tiết kiệm điện thiết thực nhất. 

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, nhận bài dự thi đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ cuộc thi được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.