Chạy bộ gắng sức, coi chừng nhập viện

15/10/2024 16:41 GMT+7

3 bệnh nhân cấp cứu sau một giải chạy đêm được tổ chức ở TP.HCM, vào tối 12.10. Trong đó, có bệnh nhân chỉ mới 18 tuổi.

Nhập viện sau giải chạy marathon

Vào rạng sáng, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đã tiếp nhận 3 bệnh nhân cấp cứu sau một giải chạy đêm được tổ chức ở TP.HCM, tối 12.10. Trong đó, có bệnh nhân chỉ mới 18 tuổi.

Xác nhận với người viết, bác sĩ Vũ Đức Nhân, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngất do gắng sức. Sau khi được thăm khám và điều trị, cả 3 người đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định và được theo dõi sát tại Khoa Cấp cứu. Được biết giải chạy này thu hút gần 6.000 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia ở các cự ly 5 km, 10 km và 21 km.

463022414_3892986320945290_6739743988029538069_n.jpg

Giải chạy bộ thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia

ẢNH: BTC

Trên thực tế, hầu như các giải chạy mọi người đều gắng sức rất nhiều. Huỳnh Nguyên Thảo (30 tuổi), làm việc ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1 cho biết chị từng gặp "tai nạn" khi lần đầu tham gia giải chạy bộ với cự ly 10 km.

Khi chạy được 2 km, Thảo bắt đầu thèm uống nước kinh khủng do trời nắng gắt. Chị liên tục tấp vào các trạm dừng bên đường để uống nước. Lúc chạy tiếp, Thảo bị xóc hông.

"Nó đau từ cơ bụng lan ra khiến mình cảm thấy bị khó thở. Mình vừa chạy, vừa ôm bụng rất khổ sở. Sau đó, có một người chỉ là đi bộ nhẹ, hít thở chậm và sâu. Sau một lúc làm theo, mình cảm thấy đỡ hơn và tiếp tục cuộc đua", Thảo kể.

Chị cho biết trong các giải chạy bộ vì muốn cải thiện tốc độ, nhiều người gắng chạy hết sức mình. Điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Sau cuộc đua đó, Thảo tham gia một số câu lạc bộ chạy bộ và học được nhiều kinh nghiệm. Chị được biết rằng tình trạng xóc hông khi chạy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, việc ăn uống quá nhiều trước khi chạy có thể gây ra cảm giác khó chịu và dẫn đến xóc hông. Ngoài ra, kỹ thuật chạy cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu người chạy không giữ vững phần thân trên (còn gọi là "core") và để cơ thể lắc lư quá nhiều, họ cũng dễ gặp phải vấn đề này.

Đặc biệt, đối với những người lâu ngày không chạy bộ, việc thiếu khởi động kỹ lưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây ra xóc hông. Thảo được cảnh báo rằng nếu đã bị xóc hông mà vẫn cố gắng chạy tiếp, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra những tác hại không mong muốn cho sức khỏe.

Trần Lê Thanh Ngân (26 tuổi), làm việc ở đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM vẫn từng bị quá tải khi chạy bộ. Nguyên nhân là Ngân mong muốn vượt qua chính mình nên chạy quá sức. Hậu quả là cô gái bị chấn thương chân. Sau đó, cứ mỗi lần chạy là chân Ngân đau nhức không thể nhấc nổi. Ngân quyết định dưỡng thương bằng việc chườm nóng và nghỉ ngơi một tháng. "Trộm vía" chân đã phục hồi sau khi nghỉ ngơi đủ.

"Theo mình, các bạn nên phân bổ thời gian luyện tập hợp lý dựa theo mục đích tập, cơ địa mỗi người. Cơ thể cần thời gian phục hồi, nạp đầy đủ dinh dưỡng để có thể vận động hiệu quả nhất. Thời gian luyện tập cần duy trì đều đặn và bền bỉ. Chúng ta có cả đời để tập luyện và chạy bộ, không nên hấp tấp, vội vàng mà dẫn đến những chấn thương không đáng có", Ngân nói.

Chuyên gia nói gì?

Thạc sĩ giáo dục thể chất Nguyễn Tấn Phát, giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, huấn luyện viên chạy bộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng. Thạc sĩ Phát khuyến cáo các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ thông tin về lộ trình, chú trọng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi trước, trong và sau khi chạy.

"Quá trình tham gia giải chạy cần sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo. Không nên ham vui hay chạy theo tâm lý đám đông. Bạn đăng ký chạy thì mình cũng tham gia. Trường hợp phải cấp cứu khi tham gia giải chạy là điều không ai mong muốn. Vì vậy, mọi người cần lựa chọn cường độ luyện tập, thi đấu phù hợp với bản thân", thạc sĩ Phát nói.

Chạy bộ gắng sức, coi chừng nhập viện- Ảnh 2.

Bạn trẻ cần khởi động thật kỹ trước khi chạy

ẢNH: PHƯƠNG VY

Trong khi đó, thạc sĩ, bác sĩ CKII Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Trưởng đơn vị y học thể thao Bệnh viện Tâm Anh chỉ ra những thách thức đặc thù của việc chạy bộ ban đêm.

Theo bác sĩ Anh Vũ, vào ban đêm, cơ thể vận động viên đang trong chế độ nghỉ ngơi, khó thích ứng với hoạt động cường độ cao. Bên cạnh đó, năng lượng dự trữ cũng bị thiếu hụt, không đủ đáp ứng nhu cầu cơ thể. Chưa kể, nhiệt độ không khí ngoài trời bị giảm xuống sẽ khiến vận động viên bị tốn năng lượng nhiều hơn, dễ chạy mất sức.

Bác sĩ Anh Vũ cũng cảnh báo về nguy cơ khi chạy ban ngày, như tình trạng mất nước nghiêm trọng vì trời nóng bức và nguy cơ đột quỵ do biến chứng tim mạch. Bác sĩ Anh Vũ khuyến nghị vận động viên nên khám sức khỏe tổng quát hằng năm, tập luyện thường xuyên và chú ý đến các dấu hiệu bất thường.

"Nếu có các cơn đau nhói ở ngực, tình trạng xây xẩm mặt mày, khó thở khi chạy bộ, bạn nên đi khám để tầm soát được các bệnh tiềm ẩn. Bên cạnh đó, các vận động viên cần phải làm quen với điều kiện thi đấu (không khí và thời điểm), tập luyện trước giải chạy từ 1 đến 2 tháng, bồi bổ dinh dưỡng đầy đủ… Các vận động viên nhỏ tuổi phải tập luyện tích cực dưới sự giám sát của huấn luyện viên chuyên nghiệp. Việc theo dõi sức khỏe thường xuyên, đặc biệt khi tham gia các giải đấu là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho người chạy", bác sĩ Anh Vũ kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.