'Chạy' chỉ tiêu

13/09/2016 09:01 GMT+7

Quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới lúc đầu khiến hàng loạt trường ĐH lo ngại sẽ giảm mạnh số sinh viên mới được tuyển, nhưng thực tế nhiều trường vẫn tìm cách 'lách' được để không phải giảm chỉ tiêu theo yêu cầu.

Thực tế ngược quy định
Thông tư 32/2015 của Bộ GD-ĐT quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục ĐH dựa vào những tiêu chí hoàn toàn mới. Trong đó, thu hẹp tỷ lệ diện tích sàn xây dựng và sinh viên/giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Hai tiêu chí này phải xác định theo từng khối ngành cụ thể thay vì theo chỉ tiêu chung trên tổng năng lực đào tạo như trước đây. Quy định còn có tiêu chí thứ 3 yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu để tổng quy mô đào tạo chính quy không vượt quá mức từ 8.000 - 15.000 tùy khối ngành.
Ngay khi quy định được ban hành, hàng loạt trường ĐH có quy mô đào tạo vượt mức 15.000 đều rơi vào tình trạng bất an vì lo chỉ tiêu năm nay phải giảm mạnh. Tuy nhiên, thực tế sau 1 năm ban hành văn bản này, chỉ tiêu các trường vẫn khá ổn định. Theo số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH toàn quốc năm nay tăng 10% so với 2015, từ 390.000 lên 420.000 (thêm 30.000).

Ở những trường có quy mô đào tạo lớn, chỉ tiêu điều chỉnh không nhiều dù quy mô đào tạo lớn hơn nhiều so với mức tối đa. Theo thống kê của Bộ, cuối năm ngoái nhiều trường ĐH có quy mô đào tạo vượt mức 15.000 sinh viên gồm: Công nghiệp TP.HCM, Cần Thơ, Kinh tế TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Nông Lâm TP.HCM... Thế nhưng, qua năm 2016 các trường này chỉ tiêu được cấp thay đổi không nhiều, như Kinh tế TP.HCM 4.500 (năm 2015 tuyển 4.400), Cần Thơ 8.200 (giảm 400), Công nghiệp TP.HCM 6.900 (giảm 1.600)...
Giảm từ từ?
Chỉ tiêu ở một số trường có giảm nhưng mức giảm chưa đúng với cách tính trong quy định. Để làm được điều này, các trường có nhiều cách "lách" khác nhau.
Với những trường quy mô đào tạo lớn và năng lực đào tạo nhiều, muốn đề xuất chỉ tiêu cao cần phải có văn bản giải trình báo cáo ra Bộ. “Khi đó, thay vì xác định chỉ tiêu theo đúng công thức trong Thông tư 32, trường được phép tính theo cách khác để giảm dần quy mô đào tạo qua từng năm”, đại diện một trường ĐH cho biết. Cụ thể, nếu tính chỉ tiêu trong quy định cũ, năng lực đào tạo của trường có thể xác định được trên 9.000 chỉ tiêu. Theo cách tính của Thông tư 32, tổng chỉ tiêu năm nay của trường giảm hơn một nửa, xuống chỉ còn chưa tới 4.000. Tuy nhiên, trước giải trình về năng lực đào tạo của trường, Bộ có văn bản cho phép trường này được thực hiện cách tính riêng. Thay vì lấy quy mô đào tạo tối đa 15.000 chia cho 4 (số năm học) để có gần 4.000 chỉ tiêu, trường được lấy tổng năng lực đào tạo tính trên khả năng thực tế khoảng 28.000 sinh viên để chia 4 và có được gần 7.000 chỉ tiêu. Kết quả, dù quy mô đào tạo của trường đang ở mức gần gấp đôi so với mức tối đa trong quy định, trường này vẫn được cấp chỉ tiêu tuyển sinh ở mức gần 7.000.

Bên cạnh việc gửi văn bản xin Bộ, một số trường tìm mọi cách để mở rộng diện tích sàn xây dựng phục vụ trực tiếp đào tạo, tuyển dụng thêm giảng viên để có thể giữ được ổn định mức chỉ tiêu so với năm ngoái. Đại diện một trường kỹ thuật cho biết trường phải “chạy” mọi cách để nới rộng đất và tuyển thêm giảng viên nhằm không bị giảm chỉ tiêu. Nhờ cách làm này mà dù tổng quy mô sinh viên chính quy ở mức 30.000 nhưng chỉ tiêu được tuyển năm nay vẫn ở mức 5.000. So với năm ngoái con số này có giảm nhẹ nhưng không giảm theo lộ trình.
Một trường ĐH công lập tự chủ tài chính giữ được chỉ tiêu ổn định bằng mức năm ngoái cũng cho biết có cách làm tương tự.
Như vậy, có thể thấy cách làm của Bộ đang vi phạm chính quy định do mình tạo ra. Vì vậy mà mục đích giảm dần quy mô đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo, một mặt khắc phục tình trạng khó tuyển những năm gần đây vẫn không thực hiện được. Bằng chứng là năm nay có rất nhiều trường, kể cả trường công lớn, không tuyển đủ chỉ tiêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.