Cháy chung cư Carina Plaza: Ai bồi thường thiệt hại cho cư dân?

24/03/2018 14:15 GMT+7

Vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) làm 13 người tử vong, gần 100 người bị thương và nhiều tài sản bị hư hỏng. Ai sẽ bồi thường thiệt hại cho cư dân?

Đến trưa 24.3, cư dân ở chung cư Carina Plaza vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ cháy khủng khiếp xảy ra rạng sáng 23.3.
Theo những cư dân nơi đây, hệ thống báo cháy của chung cư đã hư cách đây nhiều năm. Người dân khẳng định đã báo cho UBND phường, Cảnh sát PCCC quận 8 và đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP.HCM. Sau đó, Cảnh sát PCCC quận 8 làm việc với chủ đầu tư về vấn đề này nhưng mọi việc vẫn không được khắc phục.
VIDEO: Đêm dài sau thảm họa ở chung cư Carina Plaza
Ngoài ra, người dân cũng cho biết đường dẫn nước từ hầm chứa nước của chung cư bị hư nên lực lượng chữa cháy tới không có nước.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza là vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người chết, 15 xe ô tô, 150 xe máy bị lửa thiêu rụi, làm hư hỏng.  Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm và bồi thường cho cư dân?
Cần chờ kết luận nguyên nhân gây ra thảm họa
Luật sư (LS) Trần Bá Học, Đoàn LS TP.HCM, cho biết, hiện nay do chưa biết được nguyên nhân chính thức gây ra vụ cháy chung cư nên chưa thể xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về cá nhân hay chủ đầu tư.
Để làm rõ trách nhiệm bồi thường thì cư dân cần phải chờ kết luận nguyên nhân chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Tuy nhiên, có thể có những tình huống pháp lý khác nhau trong trường hợp này. Nếu lỗi gây cháy thuộc về chủ đầu tư do bảo hành, bảo trì, kiểm tra, giám sát các thiết bị an toàn cháy nổ không tốt dẫn đến nguyên nhân gây cháy thì đương nhiên chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ, kịp thời cho những người thiệt hại”, LS Học phân tích.
"Đối với trường hợp, cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân gây cháy là cá nhân cụ thể và có thể phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Bộ luật Hình sự. Lúc này, các cư dân ở chung cư cần phải thống kê một cách chính xác thiệt hại tài sản của mình báo cho cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết phù hợp. Bởi vì việc bồi thường phải dựa trên việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại mà trong việc này thường xảy ra tranh chấp khi có rất nhiều tài sản khó chứng minh”, LS Học cho biết thêm.
Chung cư Carina Plaza bị cháy lúc rạng sáng 23.3 Ảnh: Đức Tiến
Liên đới nhiều đơn vị, tổ chức
LS Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn LS TP.HCM, nhận định với những thiệt hại xảy ra tại chung cư Carina Plaza trong vụ hỏa hoạn vừa rồi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban quản lý (BQL). Vì BQL là đơn vị thu tiền quản lý hàng tháng để bảo trì, bảo hộ, giữ xe, bảo vệ tài sản của cư dân. Còn việc truy cứu trách nhiệm về vấn đề để cho thiệt hại xảy ra thì liên đới tới nhiều đơn vị, tổ chức khác.
“Theo quy định của Bộ Xây dựng và Luật Xây dựng, chủ đầu tư (CĐT) có trách nhiệm bảo trì 5 năm đối với hệ thống của tòa nhà chung cư, tới khi nào hết 5 năm thì mới hết trách nhiệm của CĐT. Trường hợp quá 5 năm thì xét xem lúc bàn giao cho Ban quản trị quỹ bảo trì thì hệ thống PCCC đã được nghiệm thu chưa, hay có trục trặc mà vẫn chưa được giải quyết. Mà theo người dân dù đã đưa vào sử dụng 10 năm nhưng chung cư vẫn chưa được thành lập BQT, tức là CĐT vẫn còn đang giữ số tiền này và CĐT là đơn vị thuê BQL để vận hành, quản lý chung cư”, LS Thanh phân tích.
Theo LS Thanh, cơ quan quản lý về PCCC cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này vì phải đi kiểm tra định kỳ hệ thống PCCC ở chung cư. Khi hệ thống không hoạt động thì cơ quan quản lý phải có biện pháp để bắt buộc CĐT, BQL khắc phục ngay.
Ngoài ra, LS Thanh cho biết trường hợp tòa nhà đã mua bảo hiểm PCCC thì phải xét đến các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm mới biết được bảo hiểm có chịu trách nhiệm bồi thường hay không. Nhưng thường trong các hợp đồng bảo hiểm về PCCC thì nếu đơn vị mua bảo hiểm vi phạm các điều khoản về PCCC thì sẽ không được bồi thường khi xảy ra cháy nổ.
LS Thanh cũng thông tin thêm, từ ngày 15.4.2018 tới đây, Nghị định 23/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Theo đó, tất cả các chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Điều 313 - Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định: (Bộ luật luật hình sự năm 2015)

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.